Rau cần Yên Hòa nâng tầm giá trị bằng công cụ sở hữu trí tuệ
Thứ ba, 02/01/2024
Yên Hoà là xã miền núi thuộc huyện Yên Mô, với phần lớn diện tích đất được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Truyền thống và kinh nghiệm canh tác của người dân địa phương nơi đây đã tạo ra nhiều nông sản đặc sắc, chất lượng, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Trong đó, không thể không kể đến sản phẩm rau cần nước. Đây là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Rau cần nước thuộc họ Hoa tán. Đây vốn là loài rau mọc hoang có nguồn gốc nhiệt đới Châu Á, ưa ẩm, mát, sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện cường độ ánh sáng thấp, khí hậu tương đối lạnh. Vì vậy, rau thường được trồng rộng rãi ở các tỉnh phía Bắc vào vụ Đông.
Nghề trồng rau cần ở xã Yên Hòa tập trung chủ yếu ở 2 thôn Liên Trì 1, Liên Trì 2. Đây là 2 thôn có nhiều ao nhỏ liền nhau. Do vậy, các ao này là dấu tích những bước chân của một vị thánh, sau khi giúp nhân dân địa phương đánh giặc ngoại xâm đã bay về trời. Cây rau cần đã gắn liền với đời sống của rất nhiều thế hệ người dân nơi đây. Thời kỳ đầu, rau được trồng theo hướng tự cung tự cấp, phục vụ nhu cầu của chính các gia đình. Tuy nhiên, với điều kiện tự nhiên như đất, nước, khí hậu thuận lợi, cây rau cần phát triển mạnh, chất lượng tốt nên ngày càng được nhân rộng, dần trở thành sản phẩm chủ lực, được đưa đi tiêu thụ tại nhiều nơi.
Ông Phạm văn Huyền, Người dân Yên Hoà thu hoạch rau cần
Có thể nói, Rau cần được trồng ở Yên Hoà hiện nay là giống bản địa, nổi tiếng với màu trắng, xanh trong, giòn, ngọt đậm và mùi thơm đặc trưng. Mỗi gia đình có một ao nhỏ dùng để giữ giống rau. Nhờ kế thừa kinh nghiệm truyền thống cùng việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các hộ dân có thể giữ rau giống từ vụ trước để sử dụng cho sau. Từ khoảng đầu tháng 9 hàng năm, khi thời tiết bắt đầu dịu mát, bà con nông dân tiến hành trồng rau cần thương phẩm. Ao trồng rau được rút cạn nước, vãi vôi khử trùng. Bùn ao được kéo phẳng đều, để ngấu, ở dạng sệt. Rau giống được nhổ từ ao ươm mang cấy ngay với khoảng cách đều nhau. Nhờ đó, khả năng bén dễ, hồi xanh nhanh. Ngay sau khi cấy, nước được đưa vào và giữ ở mức xăm sắp gốc rau. Thời tiết thuận lợi, cây rau sinh trưởng, phát triển tốt, khoảng 45 ngày sau khi cấy, bà con đưa nước vào bổ sung ngập 2/3 thân cây để kích thích cơ chế tự vươn, đảm bảo cho rau cần thẳng, non, trắng, ngố dài. Giữ nước như vậy sau 10 ngày, cây rau đạt chiều dài từ 40 đến 70 cm, đảm bảo các chỉ tiêu về thành phần hóa lý như hàm lượng nước hơn 70%; Cellulose từ 1,49 đến 1,84%; Vitamin C từ 16,6 đến 25,2%... Lúc này bà con có thể bắt đầu thu hoạch: nhổ rau, rửa sạch, cắt bỏ phần dễ và đưa đi tiêu thụ. Ao lại được tháo cạn nước, xử lý theo đúng quy trình và quay vòng trồng lứa mới. Mỗi vụ, bà con có thể trồng 3, 4 lứa rau cần như vậy
Xã Yên Hòa hiện có hơn 200 hộ trồng rau cần, với tổng diện tích khoảng 60 ha. Năng xuất đạt từ 120 đến 130 tấn/ha. Vào chính vụ, trung bình mỗi ngày, xã cung cấp ra thị trường hàng chục tấn rau với giá bán có thời điểm lên đến 25.000 đồng/kg, mang lại thu nhập cho người dân từ 600 – 800 triệu đồng/ha. Ngoài các chợ đầu mối của tỉnh, rau cần nơi đây còn được xuất bán đi các tỉnh Hòa Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh phía Bắc. Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân mở rộng diện tích, yên tâm canh tác đạt hiệu quả cao, xã đã đầu tư, xây dựng kiên cố hóa hệ thống kênh mương quanh vùng, đảm bảo công tác tưới tiêu. Chính quyền xã cũng phối hợp với các ngành chức năng, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn giúp nhân dân nắm vững và thực hiện tốt quy trình sản xuất rau an toàn, theo hướng hữu cơ, đảm bảo bền vững.Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa và được nhiều thị trường ưa chuộng nhưng giống như không ít nông sản khác, rau cần Yên Hòa cũng có thời điểm phải đối diện với nguy cơ được mùa mất giá, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của người dân. Do đó, việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, khẳng định giá trị sản phẩm, tạo điều kiện để rau cần có đầu ra ổn định, đặc biệt là tại các siêu thị và hệ thống cửa hàng rau an toàn là yêu cầu rất cần thiết.
Lãnh đạo xã Yên hoà thăm quan mô hình rau cần tại Thôn Liên trì 2
Trong bối cảnh tiêu dùng hiện tại và tương lại ngày càng khẳng định xu hướng xanh - sạch – an toàn - lành mạnh thì sản phẩm có nhãn hiệu chứng nhận sẽ mang đến cho người tiêu dùng niềm tin và từ đó tăng khả năng mua. Một thương hiệu tốt, uy tín sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, công sức trong việc lựa chọn và tăng tỷ lệ quay trở lại mua tiếp. Thương hiệu, nhãn hiệu chứng nhận được đánh giá như sự đảm bảo, giúp giảm nguy cơ mua phải hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, những sản phẩm có thương hiệu mạnh, được xây dựng bài bản luôn là sự ưu tiên lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.
Để phát huy lợi thế về truyền thống canh tác của người dân, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, nâng cao uy tín và danh tiếng sản phẩm rau cần của xã Yên Hòa, góp phần phát triển bền vững nghề trồng rau theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị, UBND tỉnh Ninh Bình đã giao Sở KH&CN phối hợp với huyện Yên Mô triển khai Dự án: Xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Rau cần Yên Hòa” dùng cho sản phẩm rau cần của xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.Nhiều sản phẩm quan trọng được xây dựng như: thiết kế mẫu logo nhãn hiệu chứng nhận mang tính biểu tượng chung cho sản phẩm rau cần Yên Hòa; Xác định và xây dựng được bản đồ khu vực địa lý vùng sản xuất sản phẩm; Hệ thống các văn bản quản lý sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; Bộ nhận diện và công cụ quảng bá sản phẩm. Việc tổ chức sản xuất rau cần từ đây sẽ được quản lý theo đúng quy trình, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Rau cần Yên Hòa sẽ trở thành sản phẩm hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã của thị trường. Qua đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng, mang lại lợi thế cạnh tranh, nâng cao thu nhập cho người trồng rau, đồng thời đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ các giá trị văn hoá, truyền thống của địa phương.