Xã yên hòa
Thứ bảy, ngày 27/07/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

Quyết liệt xử lý "vi-rút tin giả" giữa đại dịch COVID-19

Thứ sáu, 13/08/2021

Quyết liệt xử lý "vi-rút tin giả" giữa đại dịch COVID-19

Trong những ngày này khi cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đang "căng mình" chống dịch thì không ít cá nhân lại tiếp tay phát tán, lan truyền những thông tin bịa đặt, sai sự thật, thông tin không chính thống về tình hình dịch bệnh; xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc-xin và các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, của các địa phương… gây hoang mang dư luận.

                                Quyết liệt xử lý

                                                 Cơ quan chức năng triệu tập đối tượng phát tán tin giả ở xã Gia Vân (Gia Viễn) đến làm việc. Ảnh: Kiều Ân

Việc phát hiện, xử lý, ngăn chặn tốc độ lây lan chóng mặt của "vi-rút tin giả" không chỉ đòi hỏi những biện pháp kịp thời, nghiêm minh của các cơ quan chức năng mà rất cần sự hợp tác, vào cuộc của toàn xã hội nhằm tạo "miễn dịch cộng đồng" đối với loại vi-rút đặc biệt nguy hiểm này. 

Tin giả "lây lan" nhanh trong cộng đồng

Cách đây ít ngày, Nguyễn Văn T. (trú tại xã Gia Vân, Gia Viễn) đã bị cơ quan chức năng phạt hành chính 7.500.000 đồng vì hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Được biết, trước đó T. đến Phòng khám đa khoa tư nhân An Phát (thị trấn Me, huyện Gia Viễn) để xét nghiệm nhanh COVID-19 và có kết quả âm tính. 

Sau đó Tú chụp kết quả xét nghiệm này, sử dụng phần mềm trên điện thoại cá nhân để chỉnh sửa từ "âm tính" sang "dương tính" và đăng tải lên 2 nhóm Zalo "những con lươn" và "hàng nhập npp". Làm việc với cơ quan chức năng, T. cho biết mục đích là để trêu đùa các thành viên trong nhóm. "Trò đùa" này đã ngay lập tức gây "hậu quả thật" khi thông tin nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của địa phương. 

Tương tự như trường hợp của T., sự việc Quách Công L. (trú tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) thực hiện livestream trên tài khoản facebook Quách Công L. và L. lái xe với 2 nội dung đăng tải: "cấm đường cầu Lập Cập xuống Nho Quan, mọi người chú ý nhé, lên được nhưng xuống thì không"; "ngăn sông cấm chợ, mọi người chia sẻ cầu Lập Cập cấm đường xuống Nho Quan nha" đã gây nên một phen hốt hoảng cho người dân địa phương. Điều đáng nói, thông tin mà L. phát tán không đúng với quan điểm chỉ đạo của tỉnh Ninh Bình. Ngay sau đó, L. cũng đã bị cơ quan chức năng phạt 7.500.000 đồng. 

Nguy hại không kém việc đưa tin sai sự thật, hành động phát tán các thông tin không chính thống cũng đã gây nên hệ lụy đáng tiếc. Điển hình là sự việc xảy ra vào cuối tháng 7 vừa qua, trên mạng xã hội facebook, zalo xuất hiện các thông tin về tình hình ca nghi ngờ mắc COVID-19 tại chợ Rồng (thành phố Ninh Bình). 

Chỉ sau ít giờ đồng hồ, thông tin này đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt, thậm chí còn được "thêu dệt", thêm thắt nhiều nội dung gây hoang mang dư luận. Điều này đã khiến nhiều người dân thành phố Ninh Bình lo lắng đổ xô đi mua hàng hóa về tích trữ, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm ngay trong chiều ngày 29/7 và sáng sớm hôm sau. 

Cảnh tượng người dân ồ ạt vào chợ, chen lấn, xô đẩy, tranh nhau mua bằng được các mặt hàng tươi sống như: thịt lợn, thịt bò, rau củ quả với giá đã bị đẩy lên rất cao thật sự đáng lo ngại. Lúc ấy có lẽ cũng chẳng còn ai trong số họ nhớ đến các khuyến cáo phòng, chống dịch COVID-19!... 

Chỉ đến khi Báo Ninh Bình và một số cơ quan báo chí chính thống khác trên địa bàn đăng tải thông tin do cơ quan chức năng cung cấp về việc ca nghi ngờ này có kết quả xét nghiệm âm tính thì mọi sinh hoạt của người dân mới trở lại trạng thái bình thường. Qua sự việc này cũng cho thấy "sức đề kháng" của cộng đồng đối với các thông tin chưa được kiểm chứng còn khá yếu ớt. 

Được biết, từ đầu năm đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều quyết định xử phạt các đối tượng về hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện việc phát tán, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín lực lượng chức năng, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch… Đặc biệt trong các ngày từ 5-9/8 cơ quan chức năng đã xử lý liên tiếp 2 vụ việc đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. 

Trên không gian mạng nói chung, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Công văn số 2765, ngày 23/7/2021: Tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắcxin COVID-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắcxin của Chính phủ... 

Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip "tự phát" được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội, nếu không xử lý nghiêm sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.

Đâu là vắc-xin đẩy lùi "vi-rút tin giả"?

Sở dĩ tin giả, tin sai sự thật có thể lây lan nhanh trong cộng đồng là bởi việc đăng tải thông tin trên mạng xã hội rất đơn giản, dễ dàng, bất kỳ ai, ở đâu, chỉ cần có phương tiện và kết nối mạng là có thể thực hiện. Điều này gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát tin giả khi hàng ngày lượng thông tin đăng tải trên không gian mạng rất lớn. 

Trong khi đó vẫn còn những người với mục đích câu view, câu like, thậm chí vì mục đích chính trị, cố tình đăng tải thông tin sai sự thật để bôi xấu, xuyên tạc những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, của các địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội và đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.

Những quy định của pháp luật được xem là điều kiện tiên quyết trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn tin giả. Theo Thượng tá Nguyễn Đức Toản, Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh): Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng, một số Nghị định của Chính phủ đều đã quy định rõ việc xử lý đối tượng tung tin giả với các mức xử phạt hành chính khác nhau. 

Đặc biệt, tại Điều 8, Luật An ninh mạng quy định nghiêm cấm sử dụng không gian mạng thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội... Trên cơ sở những quy định đó, thời gian qua, chúng tôi đã tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời nhiều tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị có liên quan xác minh đối tượng, xử lý và có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng. 

Quy định của pháp luật đã có, nhiều vụ việc cũng đã được cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng nhưng trong khoảng thời gian đó các thông tin sai sự thật cũng đã kịp gây hoang mang, dao động trong nhân dân, dẫn tới những hệ lụy không nhỏ về kinh tế-xã hội, ảnh hưởng không tốt tới nỗ lực chung của các cấp, các ngành, nhất là những cán bộ, y, bác sĩ, chiến sỹ tuyến đầu chống dịch... 

Bởi vậy cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, việc tăng "sức đề kháng" cho cộng đồng trước những thông tin thất thiệt được coi như liều vắc xin hiệu quả giúp phòng ngừa, tiến tới đẩy lùi "vi rút tin giả". ở đó, trước hết mỗi cá nhân cần tự nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân, thận trọng trước những thông tin chưa được kiểm chứng. 

Về nội dung này, cơ quan chức năng đưa ra khuyến cáo: không quá khó để nhận biết tin giả, bởi hầu hết loại tin này đều do các cá nhân hoặc hội, nhóm sử dụng mạng xã hội để tung tin mà không có nguồn trích dẫn cụ thể, tin cậy; thông thường tin giả cũng có tiêu đề giật gân, "câu khách", gây tò mò với cộng đồng… 

Vì thế người dân cần tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội để có thể nhận diện các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Hãy bình tĩnh cân nhắc trước khi nhấn like (yêu thích), share (chia sẻ) các nội dung thông tin. Nếu chia sẻ một cách tùy tiện, vô tình tiếp tay cho tin giả cũng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Để tăng "sức đề kháng" cho cộng đồng trước những thông tin chưa được kiểm chứng, thiết nghĩ vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở cũng hết sức quan trọng. Bởi lẽ đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên các tổ chức quần chúng từ thôn, xóm, phố sẽ nắm bắt sớm nhất tâm tư, nguyện vọng, những biến động trong dư luận xã hội tại mỗi địa phương, từ đó kịp thời đưa ra những thông tin định hướng đúng đắn. 

Thêm nữa, hiện giờ tiện ích công nghệ cũng được ứng dụng rộng rãi ở cơ sở với việc thành lập các nhóm zalo, facebook trao đổi, bàn bạc công việc. Vì vậy hãy biến không gian ấy thành môi trường giáo dục, môi trường văn hóa lành mạnh để nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, ngăn chặn thông tin thất thiệt. 

Đặc biệt, trong cuộc chiến với vấn nạn tin giả, không thể không tính đến những đóng góp quan trọng của các cơ quan báo chí. Khi tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật có chiều hướng gia tăng, các cơ quan này cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền làm nổi bật mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết; kịp thời phản bác các luận điệu xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch; chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội. 

Mặt khác, về phía các sở, ngành, chính quyền các địa phương cũng cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý, sử dụng tài liệu, quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng các cơ quan, đơn vị lại phát ngôn không thống nhất dẫn đến việc bị suy diễn, xuyên tạc.

Việc đấu tranh, đẩy lùi "vi rút tin giả" chưa thể kết thúc một sớm, một chiều và phía trước chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Mới đây, ngày 10/8/2021, UBND tỉnh đã có văn bản số 492 về việc triển khai thực hiện quy định về phát ngôn và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về dịch COVID-19.

Trong đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, các cơ quan báo chí của tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai nhiệm vụ cụ thể liên quan đến nội dung này. Cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng rất cần sự chung sức, đồng lòng của người dân để lan tỏa những điều tốt đẹp, loại bỏ những thông tin tiêu cực trên không gian mạng…

Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn

Thông tin truy cập

Truy cập: 1023310

Trực tuyến: 132

Hôm nay: 1508