Xã yên hòa
Thứ bảy, ngày 26/04/2025
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

Quán triệt, triển khai việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Đề án hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thành tỉnh Ninh Bình

Thứ hai, 21/04/2025

Ngày 21/4, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Đề án hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thành tỉnh Ninh Bình và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2025.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Ninh Bình; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Ninh Bình; lãnh đạo Sở Nội vụ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính-xã hội cấp tỉnh; thường trực các huyện, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh ủy.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt các nội dung của Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh. Theo đó, căn cứ Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; các văn bản chỉ đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; căn cứ Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Ninh Bình về triển khai Kết luận số 137 ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trên cơ sở thống nhất với UBND tỉnh Hà Nam, UBND tỉnh Nam Định, ngày 16/4/2024, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.  

Kế hoạch được xây dựng nhằm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Xác định rõ lộ trình, các công việc phải thực hiện trong từng thời điểm, bảo đảm phù hợp với thực tiễn nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo, định hướng của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan. Phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm đạt được mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, cực tăng trưởng; kết hợp hài hòa, hợp lý các đơn vị hành chính có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của đơn vị hành chính sau sắp xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

Kế hoạch cũng yêu cầu xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương nhằm bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, chất lượng và hiệu quả. Xác định nội dung công việc phải gắn với chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các sở, ngành, địa phương; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện. Việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải đảm bảo khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tiễn của các địa phương. Việc sắp xếp phải gắn với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đồng thời giải quyết chế độ, chính sách hợp lý, có lộ trình bố trí, sắp xếp cho các đối tượng trên đảm bảo theo quy định.

Kế hoạch cũng nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh bao gồm: Công tác thông tin, tuyên truyền; Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh; Xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; Tổ chức lấy ý kiến cử tri về nội dung Đề án; Tổ chức kỳ họp HĐND các cấp thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; Hoàn thiện hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và xây dựng Tờ trình của UBND tỉnh trình Chính phủ. Trong đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã của 3 tỉnh tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh (đồng bộ về thời gian, cách thức thực hiện với việc lấy ý kiến đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã). Việc lấy ý kiến hoàn thành xong trong ngày 23/4/2025.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Ninh Bình năm 2025. Theo đó, việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Ninh Bình năm 2025 phải đảm bảo khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, chặt chẽ, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và sát với tình hình thực tiễn ở địa phương; phù hợp quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; điều kiện lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên, cộng đồng dân cư; khắc phục việc chia cắt địa bàn, lĩnh vực; đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc triển khai thực hiện sắp xếp; dự báo, xác định những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh và xây dựng phương án giải quyết cụ thể.

Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh phải gắn với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; đồng thời giải quyết chế độ, chính sách hợp lý, có lộ trình bố trí, sắp xếp cho các đối tượng trên đảm bảo theo quy định. Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ quy định hiện hành, nhiệm vụ được phân công chủ động hướng dẫn, triển khai tổ chức thực hiện các nội dung công việc theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn đối với nội dung còn vướng mắc khi tổ chức sắp xếp ĐVHC cấp xã.

Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu ý kiến thể hiện sự thống nhất, đồng tình cao với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Đồng thời thông tin về kế hoạch của các địa phương trong việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về nội dung các Đề án, nhất là về phương thức; mẫu biểu lấy ý kiến, mẫu biểu tổng hợp; thời gian thực hiện... Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện tốt các Đề án như vấn đề về bố trí, sử dụng tài sản công; công tác cán bộ…, qua đó góp phần tạo sự đồng thuận, bảo đảm ổn định, phát triển.

Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu nhấn mạnh mục đích, yêu cầu việc triển khai Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Ninh Bình năm 2025. Trong đó nêu rõ: Ủy ban nhân dân tỉnh đã khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, tổng hợp, nghiên cứu, xây dựng Đề án hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thành tỉnh Ninh Bình, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Ninh Bình năm 2025 theo đúng quy định, đảm bảo yêu cầu.

 Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Lưu ý kết quả lấy ý kiến Nhân dân về các Đề án sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh hoàn thiện Đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền, các đồng chí đề nghị việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân cần được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, phù hợp với đặc điểm dân cư, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật; đồng thời bảo đảm quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri.

Các đồng chí cũng lưu ý việc bố trí nhân sự tham gia Tổ lấy ý kiến Nhân dân tại địa bàn các thôn, tổ dân phố phải là những người có năng lực, kinh nghiệm xử lý tình huống. Đề nghị các đồng chí cấp uỷ viên các cấp được giao phụ trách địa bàn tăng cường nắm, bám tình hình, kịp thời xử lý những tình huống phát sinh ngay từ cơ sở. Các tổ chức Hội, đoàn thể tổ chức sinh hoạt chuyên đề nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách, tạo sự đồng thuận trong tổ chức, triển khai thực hiện.

Các đồng chí cũng trao đổi làm rõ về các vấn đề mà đại biểu quan tâm như: kinh phí triển khai thực hiện; phương án bố trí sử dụng tài sản công; việc lấy ý kiến cử tri, Nhân dân; việc tổng hợp số liệu lấy ý kiến cử tri.

Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đoàn Minh Huấn khẳng định: Việc sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là yêu cầu khách quan của sự phát triển với mục tiêu mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững. Để triển khai hiệu quả việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Đề án hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thành tỉnh Ninh Bình và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2025, đồng chí đề nghị bám sát quy định, hướng dẫn của Trung ương để triển khai thực hiện. Các địa phương, cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động và phối hợp để việc triển khai lấy ý kiến trong Nhân dân đảm bảo dân chủ, hiệu quả. Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Ninh Bình căn cứ nhiệm vụ, địa bàn được phân công phải trực tiếp theo dõi, đôn đốc, nắm tình hình để kịp thời hỗ trợ các địa phương cũng như báo cáo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh ở cơ sở.

Lưu ý về công tác thông tin, truyền thông, đồng chí đề nghị cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục. Các cơ quan Báo, Đài Phát thanh-Truyền hình cần xây dựng các chương trình tuyên truyền chuyên sâu, góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất cao giữa cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương; chủ động định hướng dư luận, kịp thời xử lý các thông tin không chính xác…, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tạo động lực phát triển cho quê hương, đất nước.

Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn

Thông tin truy cập

Truy cập: 1446980

Trực tuyến: 21

Hôm nay: 2055