Xã yên hòa
Thứ bảy, ngày 27/07/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình chủ động ứng phó với dịch sốt xuất huyết

Thứ sáu, 08/07/2022

Ninh Bình chủ động ứng phó với dịch sốt xuất huyết

Hơn 1 tuần gần đây, bệnh sốt xuất huyết (SXH) bắt đầu xuất hiện và lây lan tại tỉnh Ninh Bình. Trong khi hiện nay thời tiết nắng, mưa thất thường, là điều kiện thuận lợi cho loăng quăng, bọ gậy phát triển, muỗi vằn xuất hiện và lây lan thành dịch trong cộng đồng. Đòi hỏi công tác giám sát, khoanh vùng, xử lý dịch cần được thực hiện kịp thời, khẩn trương, đồng thời nâng cao ý thức người dân trong phòng chống, hạn chế thấp nhất sự bùng phát của dịch bệnh.

Ninh Bình chủ động ứng phó với dịch sốt xuất huyết

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường sống để loại trừ lăng quăng sinh sôi.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện đang là cao điểm mùa dịch SXH. Số ca mắc gia tăng mạnh tại các tỉnh khu vực phía Nam và bắt đầu tăng tại các tỉnh, thành phố phía Bắc. Nguyên nhân là do dịch SXH có tính chất chu kỳ, cùng với đó là sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh chưa tốt. 

Để ngăn chặn không để dịch bệnh SXH bùng phát, các địa phương trong tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, trong đó quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng dịch. 

Huyện Yên Mô hiện là địa phương có 2 ổ dịch SXH tại xã Yên Hưng và xã Yên Mạc. Trong đó có 1 ổ dịch nội sinh tại xã Yên Hưng, còn lại là ca bệnh có tiền sử dịch tễ đi về từ các tỉnh phía Nam. Ngay khi phát hiện ổ dịch SXH đầu tiên trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Yên Mô đã phối hợp với các cơ sở y tế và địa phương khẩn trương, chủ động dập dịch, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Bác sỹ Phạm Văn Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Mô cho biết: Từ ngày 23/6, Trung tâm Y tế huyện Yên Mô có kết quả xác nhận ca bệnh SXH đầu tiên. Ngay sau đó, các đơn vị chức năng đã khẩn trương khoanh vùng, dập dịch bằng các biện pháp, như khoanh vùng ổ dịch, tiến hành phun khử khuẩn, phát quang bụi rậm, diệt lăng quăng, bọ gậy... Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống dịch bệnh tại gia đình, thôn xóm.

Đối với các địa phương chưa ghi nhận ca bệnh, Trung tâm Y tế Yên Mô khuyến cáo không chủ quan, lơ là. Người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng SXH theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Trong đó tập trung vào việc thực hiện chủ động phòng chống dịch ngay tại gia đình. Chú trọng vệ sinh môi trường, dọn dẹp nơi ăn, ở, sinh hoạt, không để góc tối, ẩm thấp cho muỗi trú ngụ. Đặc biệt, không để nước ứ đọng trong các đồ dùng, dụng cụ gia đình. Thực hiện việc ngủ màn, sử dụng thực phẩm an toàn bằng ăn chín, uống sôi... 

Đối với huyện Kim Sơn, đến nay trên địa bàn huyện ghi nhận 2 ca bệnh SXH. Bác sĩ Nguyễn Khắc Nghiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Sơn cho biết: Ngay sau khi trên địa bàn xã Quang Thiện ghi nhận trường hợp mắc SXH, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức phun khử khuẩn trong phạm vi, bán kính theo quy định. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra các khu vực xung quanh nơi ghi nhận ca bệnh nhằm phát hiện kịp thời muỗi lây truyền SXH để xử lý kịp thời, dứt điểm.

Bà Đinh Thị Tuyết, xã Quang Thiện (huyện Kim Sơn) cho biết: Qua theo dõi và được nhân viên y tế xã tuyên truyền trên địa bàn đã có ca bệnh SXH, gia đình tôi đề cao cảnh giác, thực hiện theo các biện pháp mà nhân viên y tế hướng dẫn. Đó là ngủ mắc màn, vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài nơi sinh sống. 

Đặc biệt là tìm và diệt các con lăng quăng, bọ gậy trong các chậu cây, nơi đọng nước, không để môi trường cho muỗi đẻ và phát sinh, phát triển. Chúng tôi đều nâng cao ý thức và thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn phòng dịch, trước là lo cho sức khỏe của bản thân và gia đình, sau là sức khỏe của mọi người trong cùng khu dân cư...

Hiện nay, sau 14 ngày, các ca bệnh SXH đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện. Trên địa bàn huyện Kim Sơn chưa ghi nhận thêm ca bệnh SXH mới. Tuy nhiên, Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các Trạm Y tế xã, thị trấn không chủ quan, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Huyện phấn đấu không phát sinh ca bệnh nội sinh, với các ca bệnh ngoại lai đi từ nơi khác về được tuyên truyền, theo dõi sức khỏe, không để lây lan và bùng phát thành dịch trong cộng đồng.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người nhiễm virus và truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là phun hóa chất diệt muỗi và diệt lăng quăng, bọ gậy. Để phòng chống SXH hiệu quả cần sự chung tay của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Tính đến ngày 4/7, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 21 trường hợp mắc SXH, tại tất cả 8/8 huyện, thành phố. Toàn tỉnh đang có 3 ổ dịch, gồm 2 ổ dịch tại xã Yên Hưng và xã Yên Mạc (huyện Yên Mô), còn lại 1 ổ dịch tại xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư). Phần lớn các ca bệnh có tiền sử dịch tễ đi về từ các tỉnh phía Nam. Hiện một số ca bệnh đã khỏi và xuất viện, còn lại các ca bệnh đang được điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh, trong đó không có ca bệnh nặng phải chuyển tuyến.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch SXH và dự báo trong thời gian tới số ca mắc có xu hướng gia tăng, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đẩy mạnh các hoạt động phòng chống SXH. Đặc biệt là thời gian gần đây, sau những ngày mưa giông nắng lên, cần tập trung cao cho công tác diệt lăng quăng, bọ gậy, giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc mới, theo dõi các trường hợp đã mắc bệnh để nắm bắt tình hình.

Cùng với đó, chỉ đạo đội phòng chống dịch cơ động từ tỉnh đến xã, phường sẵn sàng chủ động với các tình huống có thể xảy ra như nhiều người cùng mắc, lây lan bệnh trên diện rộng, bùng phát dịch… Chủ động giám sát ca bệnh hằng ngày tại các bệnh viện và cộng đồng; tổ chức giám sát, theo dõi biến động của véc tơ, vi rút Dengue tại các ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao... Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, hóa chất, trang thiết bị, sẵn sàng hỗ trợ các huyện, thành phố xử lý dịch khi có yêu cầu.

Với sự chủ động về mọi mặt trong công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn, tỉnh Ninh Bình phấn đấu hạn chế thấp nhất các trường hợp mắc bệnh nội sinh, đặc biệt không để phát sinh thành dịch SXH trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về phòng chống SXH cho người dân, chủ động phòng chống và điều trị, không để bệnh diễn biến nặng, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người dân.

Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn

Thông tin truy cập

Truy cập: 1023387

Trực tuyến: 106

Hôm nay: 1585