Xã yên hòa
Thứ bảy, ngày 27/07/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

Nâng cao ý thức phòng bệnh, tránh tâm lý "ai rồi cũng sẽ là F0"

Thứ năm, 03/03/2022

Nâng cao ý thức phòng bệnh, tránh tâm lý "ai rồi cũng sẽ là F0"

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng. Ninh Bình trở thành một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới so với tỷ lệ dân số. Phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xung quanh vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

Nâng cao ý thức phòng bệnh, tránh tâm lý

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc vi rút SARS-CoV-2 cho người dân.

Phóng viên: Theo bác sĩ, nguyên nhân chủ yếu khiến số ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh tăng nhanh trong thời gian gần đây? 

Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình và sự vào cuộc quyết liệt, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn đã được triển khai hiệu quả và dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, từ đầu tháng 2/2022 đến nay, số ca mắc mới liên tục gia tăng, đặc biệt sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, số ca mắc mỗi ngày tăng lên hàng nghìn ca trong cộng đồng. 

Nguyên nhân được nhận định là do lượng người từ các tỉnh, thành phố khác trở về quê sum họp gia đình, tổ chức giao lưu ăn uống, thăm thân, cũng như tham gia vào các hoạt động giao thương, vui xuân, lễ hội dịp trước, trong và sau Tết tăng đột biến. 

Cùng với đó, một bộ phận người dân còn chủ quan, không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, nhất là vẫn tụ tập đông người, không đeo khẩu trang nơi công cộng, hoặc đeo không đúng cách; chưa chủ động tự giác khai báo y tế để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp... 

Hơn nữa, vẫn còn một bộ phận người dân từ chối quyền lợi và trách nhiệm cá nhân trong tiêm vắc xin phòng COVID-19. Một nguyên nhân nữa khiến số ca bệnh tăng cao chính là việc áp dụng hướng dẫn mới của Bộ Y tế trong sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên để xác định ca bệnh thay vì chỉ sử dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR như trước đây. 

Các nguyên nhân cơ bản nêu trên làm gia tăng số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Dự báo thời gian tới, số ca mắc mới sẽ còn duy trì cao, thậm chí tăng thêm hơn những ngày qua. Đây là hệ quả tất yếu khi tất cả các địa phương đều mở cửa để phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội cũng như sau kỳ nghỉ Tết, học sinh trở lại trường học, người lao động trở lại làm việc, công tác... 

Phóng viênTrước thực trạng khan hiếm kit test nhanh như hiện nay, theo bác sĩ, người dân có cần thiết phải thường xuyên xét nghiệm nhanh hay không? 

Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Do F0 tăng nhanh trong thời gian gần đây kéo theo nhu cầu xét nghiệm nhanh tăng theo, đòi hỏi nguồn cung kit test rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm kit test xét nghiệm hiện nay một phần cũng do người dân tự xét nghiệm tràn lan, không theo quy định hiện hành của Bộ Y tế gây lãng phí. 

Hiện nay, có một bộ phận người dân lo lắng thái quá, tích trữ nhiều kit test để xét nghiệm thường xuyên. Có người một ngày xét nghiệm 3 lần sáng, trưa, tối, hoặc có những F0 nóng lòng, thấy sức khỏe bình thường, liên tục tự xét nghiệm để xem đã âm tính chưa... Đây đều là những xét nghiệm không cần thiết, gây lãng phí và góp phần làm khan hiếm, thiếu hụt thêm nguồn kit test nhanh, tạo cơ hội cho các loại kit test không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng tiêu thụ trên thị trường. 

Ngành Y tế khuyến cáo, đối với những người có sức khỏe bình thường, chỉ thực hiện xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 hoặc chỉ định của nhân viên y tế. Còn đối với những đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền, phụ nữ mang thai... nên xét nghiệm định kỳ 2-3 ngày/lần để sớm phát hiện và điều trị. 

Phóng viênHiện các F0 đang cách ly, điều trị bệnh tại nhà gặp khó khăn trước tình trạng nhiều thông tin trong điều trị bệnh. Bác sĩ có lời khuyên nào cho người dân thời điểm này? 

Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Hiện nay, F0 điều trị tại nhà chiếm tỷ lệ chủ yếu, với trên 90%. Do vậy, việc thông tin, phổ biến kiến thức để người dân tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho mình và người thân cần được quan tâm, chú trọng. Ngành Y tế cũng đã có hướng dẫn cụ thể, thông tin trên các phương tiện truyền thông và in tờ rơi tuyên truyền đến người bệnh, người dân có nhu cầu.

Khi phát hiện dương tính, người dân cần tuân thủ nghiêm theo chỉ dẫn của y, bác sĩ; sử dụng thuốc theo chỉ định, đặc biệt là thuốc chống viêm, chống đông máu, thuốc kháng sinh, kháng virus...; thường xuyên vệ sinh đường hô hấp đúng cách; tích cực vận động, tập luyện thể dục phù hợp; có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng hợp lý. 

Nếu có các dấu hiệu bất thường như ho nhiều, sốt cao, người mê mệt..., F0 và người nhà cần thông báo với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn điều trị hoặc tiếp cận thông tin y tế một cách chính thống. Người dân cần giữ bình tĩnh, vì hiện nay, hầu hết mỗi người đều đã tiêm 2-3 mũi vắc xin, triệu chứng khi nhiễm bệnh thường nhẹ, sẽ hết sau khoảng 7-10 ngày điều trị. 

Trong quá trình cách ly, điều trị tại nhà, cần thực hiện nghiêm quy định 5K, không tiếp xúc với người nhà đang là F1, không hoang mang lo sợ, nhưng cũng không nên chủ quan. 

Phóng viênThưa bác sĩ, hiện có nhiều người đã tiêm đủ liều vắc xin nên mang tâm lý chủ quan, có suy nghĩ "trước sau gì cũng là F0" hoặc "mắc COVID-19 rồi có thể miễn dịch lâu dài". Vấn đề này được hiểu như thế nào? 

Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Có thể khẳng định, vắc xin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm tỉ lệ nhập viện điều trị và tỉ lệ tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, vắc xin không bảo vệ tuyệt đối, người đã tiêm đủ liều vắc xin vẫn có khả năng mắc và lây bệnh cho người khác. Do đó, nếu chủ quan hoặc suy nghĩ sai lầm cho rằng trước sau gì cũng mắc COVID-19 và bỏ qua các biện pháp phòng dịch quan trọng khác, thì nguy cơ rủi ro mắc COVID-19 của bản thân rất cao, sau đó lây truyền bệnh cho chính những người thân trong gia đình, cho bạn bè, cộng đồng xã hội. 

Hơn nữa, việc này còn gây ra những hậu quả như: Cá nhân, gia đình và cộng đồng xung quanh bắt buộc phải cách ly và điều trị, dẫn tới gián đoạn học tập, lao động, công tác... giảm thu nhập, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt và rủi ro khi bệnh có thể tiến triển nặng, thậm chí tử vong, nhất là đối với người cao tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ đang mang thai. 

Cùng với đó, làm gia tăng nhanh số ca mắc mới, tăng số ca bệnh nặng phải nằm viện... dẫn tới tăng gánh nặng ngân sách cho Nhà nước khi chi phí cho công tác phòng, chống dịch; tăng áp lực lên hệ thống y tế, giảm chất lượng và hiệu quả công tác chăm sóc, điều trị; tác động tiêu cực đến việc hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Vì vậy, ngay cả khi đã được tiêm vắc xin đủ liều, người dân vẫn cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt là thực hiện nghiêm quy định 5K để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Phóng viênThời gian tới, ngành Y tế cần tập trung vào các giải pháp nào để phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả, thưa bác sĩ? 

Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Nhận định rõ những mối nguy cơ nêu trên, để tiếp tục kiểm soát dịch COVID-19, ngành Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tích cực, chủ động triển khai quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, tăng cường tuyên truyền sâu rộng tới người dân về công tác phòng, chống dịch hiện nay theo thông điệp chủ đạo là: "5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân". 

Trong đó, đề cao ý thức, trách nhiệm cá nhân trong phòng, chống dịch. Đối với F0 được cách ly, điều trị tại nhà, thường xuyên được cán bộ y tế theo dõi, chăm sóc, hỗ trợ. Tổ chức thường trực 24h/7 ngày, giám sát chặt chẽ, cập nhật thông tin, đánh giá, dự báo nguy cơ, chủ động tham mưu và đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh và UBND tỉnh để có sự chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch COVID-19 một cách quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả. 

Tăng cường tổ chức xét nghiệm và hướng dẫn người dân tự xét nghiệm, đặc biệt với người có yếu tố dịch tễ, người có nguy cơ cao; quản lý chặt chẽ các F0, F1 tại cộng đồng. Tổ chức tốt việc theo dõi, chăm sóc và điều trị hiệu quả bệnh nhân nhằm giảm thiểu tiến triển nặng và hạn chế thấp nhất tử vong. Đảm bảo các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc điều trị (gồm cả thuốc kháng virus), hóa chất, ôxy y tế… phù hợp theo phân tầng điều trị. 

Đẩy nhanh tiến độ và tổ chức tiêm mũi 3 vắc xin tăng cường và nhắc lại cho người dân từ 18 tuổi trở lên, phấn đấu đến cuối tháng 3/2022 tối thiểu đạt tỷ lệ trên 97%. Lập kế hoạch và tổ chức tiêm vắc xin cho nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi theo hướng dẫn và tiến độ cấp vắc xin của Bộ Y tế. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ và xử lý nghiêm các vi phạm quy định trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu vực nguy cơ cao như: Bệnh viện, trường học, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu, cụm công nghiệp, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, bến xe... Mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký lịch khám, tư vấn sức khỏe, khám bệnh từ xa… 

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!

Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn

Thông tin truy cập

Truy cập: 1023404

Trực tuyến: 122

Hôm nay: 1602