Xã yên hòa
Thứ bảy, ngày 27/07/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản an toàn xã Yên Hòa: Nâng cao thu nhập nhờ chuyển đổi số

Thứ ba, 11/01/2022

Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản an toàn xã Yên Hòa: Nâng cao thu nhập nhờ chuyển đổi số

Năm 2018, HTX sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản an toàn xã Yên Hòa (Yên Mô) được thành lập với 19 thành viên tham gia. Mục tiêu của HTX là phát triển mạnh mẽ các mô hình kinh tế nông nghiệp có thế mạnh ở địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm đặc trưng có sức cạnh tranh trên thị trường, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản an toàn xã Yên Hòa: Nâng cao thu nhập nhờ chuyển đổi số

Chạch sụn kho niêu - một trong những sản phẩm chính của HTX được đưa lên sàn giao dịch điện tử, nhờ vậy doanh số bán hàng tăng cao. Ảnh tư liệu

Những ngày đầu thành lập, các thành viên của HTX gặp rất nhiều khó khăn, trong đó trở ngại lớn nhất chính là việc tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm. Để tìm kiếm thị trường, các thành viên của Hội đồng quản trị (HĐQT) HTX đã nhiều lần tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong nước nhưng sản lượng tiêu thụ chưa nhiều. "Làm thế nào để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản? làm thế nào để tạo ra các sản phẩm mới từ chính những mô hình mà nhân dân hiện đang sản xuất, mang hình ảnh và trở thành thương hiệu của địa phương? Đây thực sự là những bài toán khó đặt ra cho các thành viên và HĐQT HTX. Và chúng tôi đã từng bước tìm ra lời giải khi tham gia triển khai thí điểm chuyển đổi số trên địa bàn xã Yên Hòa"- Ông Mai Quang Kìn, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản an toàn xã Yên Hòa chia sẻ.

Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, trong quá trình triển khai thí điểm chuyển đổi số trên địa bàn xã Yên Hòa, các thành viên HTX đã được tham gia các lớp tập huấn hỗ trợ tạo lập gian hàng trên các sàn thương mại điện tử và bán các sản phẩm thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử PostMart, Voso. Tham gia sàn giao dịch điện tử không chỉ giúp sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh trên thị trường mà còn tác động rất nhiều đến tư duy kinh doanh của các thành viên HTX.

Trước đây, các thành viên của HTX chỉ tập trung nâng cao chất lượng, không quan tâm đến mẫu mã sản phẩm. Nhưng từ khi tham gia sàn giao dịch điện tử, các thành viên của HTX có sự tương tác nhiều hơn với người tiêu dùng, từ đó giúp họ hiểu rằng cần phải có cách thức tiếp cận mới trong thị trường 4.0. Theo đó, các thành viên HTX ngoài chú trọng nâng chất lượng đã quan tâm đến bao bì sản phẩm, gắn tem mác truy xuất nguồn gốc, đăng ký bản quyền, tránh tình trạng hàng nhái, hàng giả... 

Đến nay, một số sản phẩm chủ lực của HTX đã được đưa lên sàn giao dịch điện tử như: cá chạch kho niêu đất, cá chạch sụn sấy khô, cá chạch sụn đông lạnh, chuối tây Thái Lan sấy dẻo và một số loại rau, củ, quả khác. Các sản phẩm đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói sản phẩm đa dạng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, qua đó góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm một cách bền vững.

Hiện nay, HTX sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản an toàn xã Yên Hòa đã phát triển lên 49 thành viên. Từ khi tham gia triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã, hơn 1 năm qua (từ tháng 8/2020 đến tháng 11/2021), tổng sản phẩm của HTX đã bán ra thị trường đạt trên 4.380 sản phẩm, tăng 4,67 lần so với khi chưa thực hiện chuyển đổi số. Nhờ vậy thu nhập của người lao động tăng gấp 3 lần (hiện trung bình đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng).

Theo Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản an toàn xã Yên Hòa: Chuyển đổi số đã giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX linh hoạt hơn, tiết giảm chi phí, khai thác tối đa nguồn lực và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, thực hiện chuyển đổi số ở HTX vẫn còn một số hạn chế, đó là việc ứng dụng các nền tảng số vào quản lý HTX còn chậm, do phần lớn các thành viên trong HĐQT xuất thân từ nông dân, chưa qua đào tạo về công nghệ thông tin. Mặt khác, quy mô sản xuất của HTX còn nhỏ lẻ, khả năng huy động vốn không cao, thường chỉ đáp ứng cho quá trình sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuần túy của HTX. Do vậy, năng lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Để khắc phục những hạn chế này, ngoài cố gắng tự thân, các thành viên HTX rất cần sự quan tâm hỗ trợ, đồng hành của các cấp, ngành, nhất là hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ để người nông dân có thể ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ quá trình quản lý, sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất, tăng thu nhập.

Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn

Thông tin truy cập

Truy cập: 1023363

Trực tuyến: 110

Hôm nay: 1561