Xã yên hòa
Thứ bảy, ngày 27/07/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

Hội nghị giao ban UBND tỉnh phiên thường kỳ tháng 9

Thứ sáu, 10/09/2021

Hội nghị giao ban UBND tỉnh phiên thường kỳ tháng 9

Ngày 9/9, UBND tỉnh tổ chức hội nghị giao ban phiên thường kỳ để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 9. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Hội nghị giao ban UBND tỉnh phiên thường kỳ tháng 9

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo đoàn ĐBQH tỉnh, lãnh đạo HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.

Trong tháng 8, dịch COVID-19 có diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam. Tại Ninh Bình đã xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng không rõ nguồn lây ở huyện Kim Sơn. Trước tình hình trên, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung cao cho công tác phòng chống dịch, nâng biện pháp ứng phó lên 2 cấp độ so với hướng dẫn của Bộ Y tế; đẩy nhanh tiến độ tiêm văc - xin, nâng cao năng lực xét nghiệm và huy động hệ thống y tế hỗ trợ cho huyện Kim Sơn. 

Đồng thời, thực hiện việc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với huyện Kim Sơn và Chỉ thị 16 tại toàn bộ xã Cồn Thoi, một phần xã Kim Mỹ, thị trấn Bình Minh. 

Đến nay, Ninh Bình đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Sau 14 ngày không xuất hiện thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng và huyện Kim Sơn đã kết thúc cách ly toàn xã hội từ 0h ngày 9/9/2021. 

Hiện toàn tỉnh còn 93 ca nhiễm COVID-19 đang điều trị tại Phòng khám Đa khoa Cầu Yên, chủ yếu là các ca bệnh từ thành phố Hồ Chí Minh và nước ngoài về đã được cách ly, điều trị tập trung. 

Về tình hình kinh tế - xã hội, cũng do tác động của dịch COVID-19 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục bị ảnh hưởng. 

Đặc biệt, sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong nhập khẩu nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm nên giá trị sản xuất trong tháng 8 tiếp ước đạt 8.461 tỷ đồng, giảm 0,89% so với tháng trước và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 62.717,4 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt gần 261,5 triệu USD, tăng 3,1% so với tháng trước và giảm 6,6% so với cùng kỳ; lũy kế 8 tháng đạt trên 1.783 triệu USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách 8 tháng đạt trên 13.628 tỷ đồng, đạt 73,2% dự toán, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục tập trung cao cho công tác chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Hiện, bệnh dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã công bố hết dịch. 

Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh tại các địa phương trong tỉnh. Văn hóa - xã hội, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường và hoạt động đối ngoại có nhiều tiến bộ. Công tác xây dựng chính quyền, tư pháp, dân tộc, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng được quan tâm thực hiện. An ninh - quốc phòng được giữ vững.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh hiện nay, trong đó nêu rõ những nguy cơ dịch xuất hiện trở lại trong cộng đồng, nhất là đối với những trường hợp đi về từ thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.

Đồng thời, đề ra các phương án, giải pháp để chủ động ứng phó với dịch bệnh như: Tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát dịch bệnh, nhất là với các khu vực giáp ranh huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa), huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định); phát huy tối đa vai trò của các tổ COVID cộng đồng; chuẩn bị chu đáo, toàn diện kịch bản đón công dân Ninh Bình từ các tỉnh phía Nam về quê....

Ngoài ra, nhiều ý kiến của các đại biểu dự hội nghị đã đề cập đến việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch; tăng cường kiểm tra, rà soát, đảm bảo an toàn trường lớp trong mùa mưa bão và dịch bệnh diễn biến phức tạp; đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất; làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; tập trung xây dựng trung tâm điều hành thông minh; quan tâm đến công tác tuyển quân, tổ chức tốt diễn tập quốc phòng an ninh, diễn tập khu vực phòng thủ năm 2021.

Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: Trong tháng 8, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung cao cho việc thực hiện toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được mục tiêu kép vừa kiểm soát tốt dịch, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh an toàn. 

Mặc dù xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng tại huyện Kim Sơn nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc kịp thời của các lực lượng chức năng, đến nay Ninh Bình đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Hội nghị giao ban UBND tỉnh phiên thường kỳ tháng 9

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu kết luận hội nghị.

 

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục ưu tiên số 1 cho công tác phòng, chống dịch và duy trì các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã triển khai thời gian vừa qua. 

Tập trung rà soát và chuẩn bị tốt phương án phòng, chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ" về nhân lực, cơ sở vật chất, chỉ huy, thông tin liên lạc.... Tiếp tục vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tham gia phòng, chống dịch COVID-19, phải quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, cùng các huyện, thành phố xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2022 sát với tình hình thực tế.

Rà soát các dự án chậm tiến độ, khó có khả năng hoàn thành và kiên quyết dừng hoặc cắt giảm không bố trí vốn. Còn lại căn cứ khả năng nguồn vốn sẽ bố trí cho các dự án mới. 

Hiện nay, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công thấp so do thủ tục đầu tư chậm, vì vậy đề nghị tập trung đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo kế hoạch vốn được giao. Đối với công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực cần tập trung cao, không quá trông chờ vào đơn vị tư vấn mà phải chủ động, trên cơ sở ý tưởng của tỉnh, các huyện, thành phố thông qua thảo luận, góp ý. 

Về lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục quan tâm phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống lụt bão. Ngành Giáo dục triển khai theo năm học mới theo kế hoạch đã đề ra, riêng huyện Kim Sơn từ bậc tiểu học trở lên sẽ khai giảng vào thứ 2 tuần tới, bậc học mầm non lùi lại 1 tuần nữa để đảm bảo cơ sở vật chất và công tác phòng, chống dịch.

Đồng chí cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông quan tâm đến công tác cập nhật thông tin, số liệu lên hệ thống; Thanh tra tỉnh phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh thực hiện kiểm tra, động viên, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường phân khai sơ bộ chỉ tiêu sử dụng đất cho các huyện, thành phố để có cơ sở triển khai lập kế hoạch sử dụng đất...

Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn

Thông tin truy cập

Truy cập: 1023285

Trực tuyến: 128

Hôm nay: 1483