Xã yên hòa
Thứ bảy, ngày 27/07/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

Thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch trong tình hình mới

Thứ bảy, 24/09/2022

Để tiếp tục đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thích ứng an toàn, linh hoạt, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, đồng thời chỉ đạo quán triệt thực hiện quan điểm tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại. Nhằm hiểu rõ hơn về các nội dung này, phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi với Thạc sỹ, bác sỹ (Ths.Bs) Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

Thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch trong tình hình mới

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh Trường Tiểu học Tân Thành (thành phố Ninh Bình). Ảnh: Minh Quang

Phóng viên: Xin ông cho biết vì sao lại thay đổi thông điệp phòng chống dịch COVID-19 từ 5K xuống 2K như vậy? Và việc chuyển đổi thông điệp phòng chống dịch mới trong tình hình hiện nay có ý nghĩa như thế nào? 

Ths.Bs. Lê Hoàng Nam: Ở giai đoạn đầu của cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, khi chúng ta chưa hiểu biết nhiều về virus SARS-CoV-2, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, đặc biệt là chưa có vắc xin thì biện pháp bảo vệ tốt nhất là sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân và cách ly. 

Chính vì vậy, ngày 30/8/2020, Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thực hiện chiến dịch truyền thông Thông điệp 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập, Khai báo y tế) nhằm khuyến cáo người dân tuân thủ và thực hiện. Và thời gian qua, thông điệp 5K đã được người dân, cộng đồng nhanh chóng đón nhận, đã trở thành "slogan", "lá chắn thép" trong phòng, chống dịch, góp phần giúp tình hình dịch COVID-19 nhanh chóng được kiểm soát. 

Đến nay, số ca mắc mới trên phạm vi toàn quốc đã giảm liên tục, số ca nhiễm nặng và tử vong cũng giảm, trong khi tỷ lệ bao phủ vắc xin tăng trong đó tỷ lệ tiêm vắc xin mũi cơ bản cho các nhóm tuổi cao, nhất là các nhóm tuổi trên 12. Từ thực tế trên, khi đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ tiêm vắc xin tăng lên và chuyển sang trạng thái thích ứng, an toàn, linh hoạt, tập trung phát triển kinh tế-xã hội, đòi hỏi phải điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp, hiệu quả. Do vậy, các biện pháp khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế thời điểm này không còn phù hợp.

Ngày 26/4/2022, Bộ Y tế thông báo tạm dừng khai báo y tế tại cửa khẩu Việt Nam đối với người nhập cảnh, ngày 29/4/2022 tạm dừng khai báo y tế nội địa. Hiện nay, các hoạt động tập trung đông người đã được phép diễn ra trên phạm vi cả nước. 

Ngày 17/3/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 38/NQ-CP chuyển trạng thái từ thông điệp 5K thay thế bằng 2K phòng, chống dịch trong tình hình mới để phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh, nhằm tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, từng bước ổn định đời sống nhân dân nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Hơn thế nữa, theo nhận định của các chuyên gia y tế thế giới và Việt Nam, dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường. 

Mùa đông sắp đến, nguy cơ các bệnh đường hô hấp bùng phát, trong đó có dịch COVID-19, nhằm ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch truyền thông "Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh" với Thông điệp 2K + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác cùng với 3 trụ cột (xét nghiệm, cách ly, điều trị) nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân. 

Với thông điệp mới trong phòng chống dịch này, Bộ Y tế mong muốn cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại Trung ương và địa phương tăng cường chỉ đạo tổ chức hưởng ứng để tăng cường hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống dịch giúp người dân nâng cao ý thức phòng dịch, chủ động thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe. 

Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình hiện nay là gì? 

Ths.Bs. Lê Hoàng Nam: Thông điệp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới của Chính phủ với nội dung 2K + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác là những khuyến cáo nhằm hướng đến thay đổi/duy trì hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe. 

Đối với việc thực hiện đeo Khẩu trang, Bộ Y tế khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, nơi đông người, như: Tại cơ sở y tế, nơi cách ly y tế, nơi lưu trú mà có người đang cách ly y tế hoặc đang theo dõi, giám sát y tế; tại một số địa điểm và đối tượng bắt buộc đeo khẩu trang khác, như khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng; tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối; tại nơi có không gian kín, thông khí kém; tại cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người; tại nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch..., trong đó chủ yếu áp dụng với nhân viên, người giao dịch khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, người dân. 

Tại tỉnh Ninh Bình, ngày 7/9/2022, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 914/ VPUBND-VP6 về việc thực hiện hướng dẫn sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi công cộng. 

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Quyết định số 2447/QĐ-BYT ngày 6/9/2022 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi công cộng. 

Giao Sở Y tế kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Hướng dẫn theo quy định, thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Bộ Y tế và UBND tỉnh. Về K thứ 2 là Khử khuẩn, theo đó Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập. 

Cùng đó, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, kết hợp "thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân" và các biện pháp khác. 

Cụ thể là: Đối với thuốc, cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Trong điều trị, tuân thủ các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 và khám bệnh khi có các dấu hiệu bất thường sau mắc COVID-19. Công nghệ là sử dụng các ứng dụng công nghệ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Ý thức người dân, là chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, không phát tán tuyên truyền thông tin xấu - độc, tham gia và tuân thủ các quy định về hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng. Còn các biện pháp khác là theo hướng dẫn của cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền tại Trung ương và địa phương. 

Dịch COVID-19 vẫn đang hiện hữu cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới; mùa đông xuân sắp đến, các bệnh đường hô hấp như cúm mùa bùng phát, việc thực hiện thông điệp 2K+ là rất cần thiết. Việc mỗi người dân cần tuân thủ các biện pháp đeo khẩu trang, khử khuẩn mà ngành Y tế đã khuyến cáo không chỉ góp phần phòng chống COVID-19 mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp khác, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa như hiện nay. Cùng với đó là tiếp tục tuân thủ các biện pháp dự phòng khác như vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân. 

Phóng viên: Hiện nay, vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19. Ngành Y tế đặt ra mục tiêu và tiếp tục thực hiện công tác tiêm chủng như thế nào? 

Ths.Bs. Lê Hoàng Nam: Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiệu quả bảo vệ của các mũi tiêm cơ bản vắc xin phòng COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian, những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không được tiêm mũi nhắc lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Do vậy, tiêm vắc xin phòng bệnh vẫn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay. 

Tại Ninh Bình, cho đến nay, có gần 2,8 triệu liều vắc xin đã được tiêm cho người từ 5 tuổi trở lên. Kết quả tiêm chủng cho thấy đa phần các mũi tiêm đều đạt mục tiêu trên 90%, chỉ có 3 tỷ lệ dưới 90% là tỷ lệ tiêm mũi 4 ở người từ 18 tuổi trở lên (89,91%), tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi (74,52%) và tỷ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi (64%). 

Tuy nhiên, khi so với tỷ lệ chung toàn quốc thì tỷ lệ tiêm các mũi tiêm ở đa phần các nhóm tuổi của tỉnh đều cao hơn, cho thấy Ninh Bình đã rất tích cực và hiệu quả trong việc triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19. Để tiếp tục phát huy thành quả trên, ngành Y tế sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin cho từng nhóm đối tượng, bằng biện pháp rà soát đối tượng và lập danh sách đối tượng cần tiêm vắc xin để theo dõi và lập kế hoạch tiêm chủng. 

Về tổ chức thực hiện, Sở Y tế đề nghị UBND huyện, thành phố hỗ trợ ngành Y tế trong công tác tiêm vắc xin; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, đoàn thể địa phương... tiếp tục rà soát đối tượng, lập danh sách gửi về Y tế địa phương để triển khai tổ chức tiêm cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm và chỉ đạo các cơ sở Giáo dục tiếp tục hỗ trợ ngành Y tế rà soát việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong nhóm học sinh; đảm bảo hoàn thành tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đặc biệt là nhóm trẻ có nguy cơ cao (trẻ béo phì, mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch...), tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên và mũi 4 cho các đối tượng có chỉ định theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn; đảm bảo thực hiện việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, sử dụng hiệu quả số vắc xin được phân bổ; hạn chế tối đa xảy ra tình trạng vắc xin quá hạn phải hủy bỏ trong khi vẫn còn đối tượng có chỉ định nhưng chưa được tiêm chủng. 

theo baoninhbinh.org.vn

Thông tin truy cập

Truy cập: 1023304

Trực tuyến: 130

Hôm nay: 1502