Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ tháng 6 đến tháng 9/2022, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 30 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH), với tổng số 93 ca bệnh. Các ổ dịch và ca bệnh xuất hiện ở 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh. Trong số đó, có 48 ca bệnh nội tỉnh và 45 ca bệnh xâm nhập. Đòi hỏi cần có các giải phái ứng phó hiệu quả với dịch bệnh SXH, không để bùng phát và lây lan rộng trong cộng đồng.
Tuyên truyền chủ động phòng chống SXH cho mỗi người dân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Dịch SXH thường có chu kỳ 3 năm 1 lần bùng phát mạnh, trong đó thời điểm gần nhất dịch bùng phát trên cả nước là năm 2019. Năm nay, do diễn biến dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, nên lưu lượng giao thông cả về người, hàng hóa, xe vận chuyển từ các tỉnh, thành phố khác về Ninh Bình khá lớn, thường xuyên và khó kiểm soát. Đặc biệt, sự biến đổi của khí hậu với thời tiết nắng nóng kết hợp với những đợt mưa bất thường đã tạo điều kiện cho muỗi Dengue - muỗi lây truyền bệnh SXH sinh sôi và phát triển.
Tính từ ngày 8/6/2022 - ngày phát hiện ca bệnh sốt xuất huyết đầu tiên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đến ngày 11/9/2022, toàn tỉnh ghi nhận 93 ca bệnh. Trong đó, tháng 6 là 21 trường hợp; tháng 7 là 16 trường hợp; tháng 8 là 28 trường hợp và đặc biệt trong 11 ngày của tháng 9 đã ghi nhận 28 trường hợp. Độ tuổi chủ yếu từ 2-87 tuổi, trong đó có 6 trẻ dưới 15 tuổi.
Các ca bệnh phân bố ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh: Nhiều nhất là huyện Yên Mô với 25 ca bệnh; các huyện Hoa Lư, Nho Quan, Gia Viễn trên chục ca đến dưới 20 ca; 4 huyện, thành phố còn lại ghi nhận từ vài ca đến dưới chục ca bệnh. Đã có 1 bệnh nhân nặng phải chuyển viện. Hiện không có trường hợp tử vong do SXH.
Trong số 30 ổ dịch, hiện đã có 16 ổ dịch kết thúc, còn lại 14 ổ dịch đang hoạt động. Có những ổ dịch ghi nhận khá nhiều người mắc, như tại xã Yên Từ (huyện Yên Mô), đến ngày 10/9, ghi nhận 4 ổ dịch tại xóm Chung, xóm Thượng, xóm Sa Lung, xóm Cầu, với 15 bệnh nhân. Trong đó riêng ổ dịch tại xóm Chung hiện đã ghi nhận với 10 người mắc và có khả năng có thể sẽ xuất hiện thêm các ca bệnh mới trong những ngày tới.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã giám sát tình hình véc tơ truyền bệnh SXH tại 7 địa điểm ở 7 huyện, thành phố cho thấy, các chỉ số mật độ muỗi truyền bệnh SXH, chỉ số BI (là số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, bọ gậy Ades trong 100 nhà điều tra) đều cao hơn mức dự báo của Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh SXH. Kết quả giám sát véc tơ truyền bệnh SXH tại 30 ổ dịch tại các địa phương trong tỉnh cũng đều cao hơn mức cảnh báo.
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, ngành Y tế đã chủ động xây dựng các phương án ứng phó tùy vào diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, có phương án dịch lây lan và bùng phát trong cộng đồng, các đơn vị y tế dự phòng tổ chức khoanh vùng ổ dịch, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch. Tăng cường triển khai giám sát SXH để kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch mới, khoanh vùng, xử lý sớm các ổ dịch trong cộng đồng...
Đặc biệt, ngay khi các ổ dịch được phát hiện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với lực lượng Y tế dự phòng các địa phương khẩn trương tổ chức giám sát hỗ trợ, giám sát véc tơ, giám sát trọng điểm ca bệnh tại cộng đồng, ưu tiên khu vực có nguy cơ cao như các ổ dịch cũ, ổ dịch đang hoạt động. Đẩy mạnh dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng tại gia đình người bệnh và khu vực xung quanh. Đồng thời tăng cường tuyên truyền phòng chống SXH đến cộng đồng, đặc biệt là những nơi đã xuất hiện người mắc bệnh.
Chủ động giám sát véc tơ truyền bệnh nhằm phát hiện các ca bệnh mới, kịp thời khoanh vùng dập dịch.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã tổ chức lớp tập huấn cho 45 cán bộ Trung tâm y tế các huyện và một số cán bộ Trạm y tế xã về Hướng dẫn giám sát và phòng, chống SXH. Cung cấp 5.000 tờ rơi cho các huyện, thành phố phục vụ công tác truyền thông. Cung cấp 50 lít hóa chất diệt muỗi, 15 kg hóa chất diệt bọ gậy cho các huyện, thành phố để xử lý các ổ dịch SXH. Tổ chức giám sát hỗ trợ cho 7 huyện, thành phố về giám sát véc tơ truyền bệnh SXH. Đồng thời, tổ chức giám sát chủ động tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tại các ổ dịch, đã lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp Elisa cho 60 trường hợp nghi ngờ mắc SXH...
Nhận định về tình hình SXH trong thời gian tới, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Tình hình thời tiết hiện nay với nền nhiệt độ từ 25-30⁰C kèm theo có mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển mạnh. Điều đáng lưu ý là số ca bệnh nội tỉnh đang có chiều hướng gia tăng, một phần do bệnh nhân đến viện muộn, những trường hợp có triệu chứng nhẹ không được phát hiện kịp thời có thể là nguồn lây lan dịch bệnh nhanh, nhiều trong cộng đồng.
Trong công tác phòng chống dịch SXH hiện nay có một số khó khăn. Đó là, một số đơn vị điều trị không có đủ test nhanh để làm xét nghiệm cho bệnh nhân, từ đó sẽ là một cản trở trong việc phát hiện và điều trị bệnh nhân. Cùng với đó, nhận thức của người dân về bệnh SXH chưa thực sự đúng đắn dẫn đến áp dụng các biện pháp phòng bệnh chưa đúng. Thêm vào đó là khó khăn về nguồn kinh phí trong việc mua hóa chất, sửa chữa trang thiết bị phun hóa chất phục vụ công tác xử lý các ổ dịch SXH; còn những vướng mắc trong việc mua sắm sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm cho các đơn vị trong ngành Y tế....
Trước những khó khăn và nguy cơ cao dịch SXH bùng phát, lây lan rộng trong cộng đồng, ngành Y tế mong muốn sự chủ động, phối hợp hiệu quả của người dân và các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch SXH. Trong đó, ý thức tự phòng bệnh của người dân có vai trò quan trọng và cần được nâng lên. Bởi SXH hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu bùng phát dịch trên diện rộng sẽ gây khó khăn, quá tải cho ngành Y tế cho công tác dập dịch và điều trị người bệnh.
Mỗi người dân cần đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng nghi SXH Dengue để được khám, tư vấn; không nên tự ý điều trị tại nhà. Đồng thời, thông báo ngay cho Trạm y tế xã, phường hoặc Trung tâm Y tế huyện, thành phố khi phát hiện có người nghi mắc bệnh để có hướng xử lý kịp thời. Các địa phương cần phát huy cao nhất các đội phòng chống dịch lưu động, xử lý dứt điểm các ổ dịch nhỏ tại xã, thôn, xóm, phố..., góp phần bảo vệ và đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Nguồn: baoninhbinh.org.vn
Truy cập: 1209678
Trực tuyến: 4
Hôm nay: 176