Xã yên hòa
Thứ bảy, ngày 27/07/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đã từng mắc COVID-19 vẫn nên tiêm vắc xin để phòng bệnh

Thứ năm, 07/04/2022

Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đã từng mắc COVID-19 vẫn nên tiêm vắc xin để phòng bệnh

Thời gian qua, số trẻ em mắc COVID-19 tăng cao ở nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt là trẻ em dưới 12 tuổi. Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng, không hiểu con họ từng là F0 thì có cần tiêm phòng nữa không?

Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đã từng mắc COVID-19 vẫn nên tiêm vắc xin để phòng bệnh

Trẻ em nhiễm COVID sau khi điều trị khỏi từ 3 tháng trở lên nên tiêm phòng vắc xin để bổ sung kháng thể.

Chị Đinh Thị Hoài Thương, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) có 2 con trai học tiểu học (lớp 1 và lớp 5) đều đã mắc COVID-19 từ đầu tháng 3/2022 và hiện đã khỏi bệnh hoàn toàn. Trước đó, khi tổ dân phố và nhà trường yêu cầu kê khai thông tin và đăng ký đồng ý tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, chị Hoài Thương đã đăng ký cho cả 2 con để được tiêm phòng. Tuy nhiên, hiện giờ 2 con mới khỏi bệnh, chị không hiểu các con có cần tiêm phòng nữa không.

Với chị Trần Thị Thủy, xã Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan) thì quan điểm của chị là khi đã khỏi bệnh không cần tiêm nữa. Chị Thủy cho biết, cậu con trai 9 tuổi của chị bị mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng nặng. Trong quá trình điều trị tại nhà, cháu chỉ sốt vài ngày, đau họng, người mệt mỏi, có đờm, nhưng được uống thuốc hạ sốt, thêm kháng sinh là khỏi trong vòng 1 tuần. Chị Thủy có suy nghĩ, với trẻ em có sức đề kháng tốt thì khi mắc bệnh cũng thường nhẹ nên không cần phải tiêm vắc xin dự phòng nữa...

Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Khi nhiễm COVID-19 thì dù ở lứa tuổi nào cũng có các biểu hiện từ không triệu chứng đến có các triệu chứng, triệu chứng nặng phải nhập viện và có thể tử vong. Với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đã từng mắc COVID-19 cũng vậy, qua theo dõi cũng đã có các trường hợp với biểu hiện lâm sàng kéo dài, thậm chí có những trường hợp biểu hiện nặng phải nhập viện. Việc tiêm vắc xin không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm sự lây nhiễm cho người thân, cộng đồng....

Hiện nay, biến chủng Omicron khiến việc lây lan nhiều hơn, đặc biệt ở trẻ chưa tiêm chủng. Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và hướng dẫn của Bộ Y tế, các trường hợp đã mắc COVID-19 hoặc nhiễm SARS-COV-2 không triệu chứng thì khi hết thời gian cách ly, điều trị và phục hồi sức khỏe hoàn toàn có thể thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19. Do đó, phụ huynh nên đồng thuận cho con mình tiêm chủng. 

Hơn nữa, việc tiêm vắc xin cho trẻ hiện nay là xu hướng toàn cầu. Đã có nhiều nước phát triển thực hiện tiêm chủng cho nhóm trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Việc tiêm phòng cho trẻ cũng là để cộng đồng trường học và xã hội an toàn, mang tới nhiều lợi ích để bảo vệ trẻ hơn là tác hại.

Theo Thạc sĩ Lê Hoàng Nam, một số trường hợp đã mắc COVID-19 có thể bị tái nhiễm do miễn dịch giảm hoặc do mắc chủng mới. Việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 chính là tạo miễn dịch chủ động để chống lại virus trong khoảng thời gian nhất định. Theo các nghiên cứu, khoảng thời gian cơ thể có được nồng độ kháng thể cao nhất chống lại virus là từ 6 - 9 tháng. Do vậy, sau khi trẻ là F0 đã khỏi từ 3 tháng trở lên, phụ huynh có thể đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 để bổ sung nồng độ kháng thể trong cơ thể của các em. Hơn nữa, để giúp trẻ thoải mái hơn khi tiêm chủng, cha mẹ nên trao đổi với trẻ trước khi đi tiêm, cho bé ăn uống đầy đủ, thực hiện các quy định về phòng chống dịch tại điểm tiêm.

Để đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến đến các điểm cầu ngành Y tế cả nước nhằm thông tin về loại vắc xin COVID-19 sử dụng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. 

Thời gian triển khai tiêm trong tháng 4/2022 ngay sau khi được cung ứng vắc xin. Phương thức triển khai là các địa phương sẽ tổ chức tiêm vắc xin theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học. Khi tiêm chủng, triển khai trước cho nhóm tuổi lớn từ 11 tuổi (học sinh lớp 6), sau đó hạ thấp dần độ tuổi. 

Tại Ninh Bình, theo số liệu thống kê từ các địa phương trong tỉnh, toàn tỉnh có 126.783 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm vắc xin phòng COVID-19, với khoảng 253.566 liều vắc xin để tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hiện ngành Y tế Ninh Bình cũng đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi được Bộ Y tế cung ứng vắc xin.

Cũng theo Thạc sĩ Lê Hoàng Nam, sau khi tiêm, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để được theo dõi, nếu có phản ứng nghiêm trọng thì sớm phát hiện và xử lý. Khi về nhà thì cần tiếp tục theo dõi trong những ngày tiếp theo, đặc biệt là 48 giờ đầu. Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Không nên uống các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng. Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ. Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm thì tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu sốt dưới 38,5 độ C thì cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên thì sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và theo dõi sức khỏe.

Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn

Thông tin truy cập

Truy cập: 1023393

Trực tuyến: 111

Hôm nay: 1591