Hiện nay, gần 100% trẻ em từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm phòng đủ 2 mũi và người lớn từ 18 tuổi trở lên được tiêm 3 mũi vắc xin phòng COVID-19, trong khi số trẻ em từ 11 tuổi trở xuống chưa được tiêm phòng. Với tình hình dịch bệnh phức tạp và nhiều diễn biến khó lường như hiện nay, trẻ em chưa được tiêm phòng khi mắc bệnh có nguy cơ gây bệnh nặng nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách.
Chăm sóc trẻ em mắc COVID-19 tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh.
Từ đầu tháng 3/2022, cả gia đình anh Trần Tuấn Anh và chị Đinh Thị Hà, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) đều mắc COVID-19, với 7 người. Trong đó có 3 trẻ em, bé lớn nhất 5 tuổi, bé thứ 2 là 2,5 tuổi và bé thứ 3 mới 6 tháng tuổi. Hàng chục ngày cách ly, theo dõi và điều trị cho các con theo triệu chứng bệnh nhẹ tại nhà, có những lúc anh chị lo lắng vô cùng khi các con sốt cao, ho nhiều và rất lười ăn, ngủ.
Chị Hà cho biết, do gia đình có người thân làm trong ngành Y tế nên chị thường xuyên nhận được sự tư vấn, hướng dẫn cụ thể để có thể chăm sóc các con tại nhà, nếu không chị đã phải đưa các con nhập viện. Sau 10 ngày điều trị, các con mới có kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng phải 1 tuần sau nữa, sức khỏe các con mới tạm ổn hơn. Sau hơn nửa tháng mắc bệnh, cả 3 con đều sút cân, người mệt mỏi, không chịu chơi, đùa nghịch như trước, hay quấy khóc và lười ăn.
Theo đánh giá của ngành Y tế Ninh Bình, dù đa phần trẻ em từ dưới 10 tuổi bị bệnh nhẹ, nhưng thời gian qua, vẫn có những trẻ em bệnh nặng và nguy kịch do mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Trong khi hiện nay, để chủ động phòng chống dịch theo hướng thích ứng linh hoạt, an toàn, đòi hỏi các bậc cha mẹ, người thân cần có kiến thức, sự hiểu biết nhất định về chuyên môn để phát hiện trẻ chuyển nặng, kịp thời chuyển đến viện, tránh tình trạng chuyển nặng không cần thiết.
Tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, từ đầu tháng 2/2022 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhân nhi mắc COVID-19, thuộc nhóm tuổi từ 1 đến dưới 12 tuổi. Ngoài các triệu chứng sốt cao, khó hạ nhiệt, ho, chảy mũi, khản tiếng, bệnh nhân có biểu hiện tình trạng nôn, chớ, đau bụng. Đặc biệt, đã có nhiều ca bệnh trở nặng phải điều trị tích cực, một số trẻ bệnh nặng, phải chuyển tuyến điều trị.
Bác sĩ CKI Phạm Thị Thúy Nga, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh cho biết: Phần lớn các bệnh nhân nhi mắc COVID-19 nặng là do có bệnh nền, đẻ non, thể trạng yếu... Những trẻ có bệnh lý tim mạch, bệnh phổi, nguy cơ cao dẫn đến tình trạng nặng hơn, diễn biến phức tạp hơn. Vừa qua, đã có một số bệnh nhân nặng, tiến triển suy hô hấp rất nhanh. Có bệnh nhân 3 tháng tuổi bị suy hô hấp phải thở máy. Có bệnh nhân hôn mê sâu, các biểu hiện diễn biến xấu, phải chuyển Bệnh viện nhi Trung ương điều trị...
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Qua số liệu thống kê của ngành Y tế, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 ở độ tuổi từ 1 đến dưới 12 tuổi trong tỉnh tăng lên nhanh chóng.
Tính đến ngày 15/3, cộng dồn toàn tỉnh đã có trên 76.000 người mắc COVID-19. Trong đó, lứa tuổi dưới 18 tuổi chiếm khoảng 30%, độ tuổi từ 0-11 tuổi chiếm khoảng 20%. Tỷ lệ trẻ em nhiễm COVID-19 của Ninh Bình cao hơn so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Mặc dù tại tỉnh Ninh Bình chưa có trẻ mắc COVID-19 tử vong, nhưng đã có bệnh nhân nặng phải chuyển tuyến trên điều trị.
Theo "Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19" do Bộ Y tế ban hành, trẻ em mắc COVID-19 được chăm sóc tại nhà, là trẻ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không khó thở, không suy hô hấp, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở bình thường theo tuổi). Không có bệnh nền hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định. Trẻ khi được chăm sóc tại nhà phải có bố, mẹ, người thân... có khả năng chăm sóc, theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được nhân viên y tế theo dõi, giám sát và xử trí khi có tình trạng cấp cứu. |
Để chủ động phòng chống và xử trí các tình trạng bệnh cho trẻ em, ngành Y tế đã tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế cơ sở về chăm sóc, theo dõi và phân loại bệnh nhân COVID-19 là trẻ em. Việc phân loại tình trạng bệnh của trẻ rất quan trọng, đặc biệt kỹ năng chuyên môn phát hiện trẻ chuyển bệnh nặng để kịp thời chuyển đến viện điều trị, không để bệnh nguy kịch và tử vong.
Tại Hướng dẫn mới về chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em do Bộ Y tế vừa ban hành, trẻ em mắc COVID-19 mức độ nhẹ có thể lựa chọn phương pháp điều trị không dùng thuốc như: Nằm phòng cách ly, hoặc theo hướng dẫn cách ly tại nhà của Bộ Y tế. Áp dụng phòng ngừa chuẩn, đeo khẩu trang với trẻ ≥ 02 tuổi. Uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải oresol. Đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng... Trong quá trình theo dõi trẻ, khi trẻ có những triệu chứng bất thường cần báo nhân viên y tế như: Sốt > 38 độ C; tức ngực; đau rát họng, ho, cảm giác khó thở; tiêu chảy, đo SpO2 < 96%; trẻ mệt, không chịu chơi, ăn/bú kém. Dấu hiệu chuyển nặng cần báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã, phường để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi trẻ thở nhanh; li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống; khó thở, cánh mũi phập phồng; tím tái môi đầu chi; rút lõm lồng ngực; đo SpO2 < 95%. |
Hiện nay, trong bối cảnh mở cửa, thích ứng linh hoạt an toàn với dịch, số ca mắc trong cộng đồng còn cao và khó kiểm soát, việc tiêm vắc xin cho trẻ là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với trẻ 5-11 tuổi. Việc tiêm vắc xin dự phòng không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch và đảm bảo sức khỏe cho nhóm lứa tuổi này khi các em mắc COVID-19.
Theo baoninhbinh.org.vn
Truy cập: 1219692
Trực tuyến: 88
Hôm nay: 646