Thời gian qua, người dân nhiều địa phương đã tìm mọi cách, từ đi bộ, đạp xe đến đi xe máy, rời Thành phố Hồ Chí Minh để về quê. Đây là vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết phức tạp, với biến thể Delta có tốc độ lây lan rất nhanh.
Tổ COVID cộng đồng không chỉ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để phòng chống dịch mà cả phát hiện các trường hợp thiếu thốn thực sự. |
Tối 31/7, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng chống dịch COVID-19, yêu cầu tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).
Yêu cầu này được đánh giá là hết sức cần thiết, để không còn những dòng người kiệt sức trên con đường về quê, gây mất an toàn cho chính bản thân và cộng đồng; còn tình trạng người dân di chuyển là còn nguy cơ dịch bệnh lây lan. Vấn đề đặt ra là làm gì và làm thế nào để người dân ở lại?
Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ lời giải căn cơ cho bài toán này, đó là thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Và trước hết, Chính phủ đã chỉ đạo việc giảm tiền điện, nước, viễn thông với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Cùng với gói hỗ trợ an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng, các chính sách hỗ trợ kể trên sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ này rất cần sự vào cuộc quyết liệt, làm nhanh, làm ngay của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở, là cấp gần dân nhất, của các tổ chức đoàn thể. Hệ thống chính quyền cơ sở phải phát huy tối đa vai trò của mình, bắt đầu từ các tổ dân phố, hội phụ nữ, thanh niên…, hay cả hội đồng hương của các tỉnh tại TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ người dân đang khó khăn.
Và việc các tỉnh không tổ chức đón người dân về quê, mà tìm cách hỗ trợ trực tiếp cho bà con đang ở vùng dịch là một cách làm thiết thực. Ví dụ như tỉnh Bắc Ninh quyết định hỗ trợ cho người dân Bắc Ninh tại TPHCM 3 tỷ đồng, Hội đồng hương Bắc Ninh tại TPHCM trước mắt là 5 tỷ đồng. Hoặc có những câu chuyện hỗ trợ được lan tỏa nhiều trên mạng xã hội như bà con vùng rốn lũ Lệ Thủy, Quảng Bình kêu gọi nông dân đóng góp rau củ, nông sản trong 1 ngày được hơn 2 tấn nông sản tươi ngon, đóng gói gửi vào hỗ trợ bà con nơi tâm dịch.
Và để những hỗ trợ hiệu quả đến tận tay người khó khăn thì công tác điều phối và tiếp cận phải tốt, làm bằng cái tâm, cái nghĩa với đồng bào vì lao động nhập cư không có hộ khẩu, không giấy tờ thường trú, tạm trú, không có bảo hiểm…
Vì vậy, chính quyền cơ sở, nhất là tổ dân phố, Tổ COVID cộng đồng không chỉ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để phòng chống dịch mà cả phát hiện các trường hợp thiếu thốn thực sự. Tổ COVID cộng đồng có thể rà soát, thu thập thông tin, lập danh sách người dân cần cứu trợ và gửi thông tin trực tiếp đến cho các cấp chính quyền, cho Mặt trận Tổ quốc để nắm tình hình và trợ cấp; cho các doanh nghiệp, tổ chức xã hội (để kêu gọi hỗ trợ).
Ngoài ra, có thể kết hợp với các công cụ số, nền tảng điện tử để người dân có thể tự đăng ký xin hỗ trợ qua kênh đơn giản nhất như điện thoại di động… hay mở thêm nhiều đường dây nóng cứu trợ khẩn cấp. Khi có danh sách cụ thể bao nhiêu người dân đang cần cứu trợ, chính quyền mới biết rõ ràng cần giảm thêm những chi phí gì, cho những ai, lương thực, thực phẩm bao nhiêu để từ đó có sự hỗ trợ kịp thời, phù hợp.
Một bài toán nữa cần đặt ra là tiền thuê nhà trọ, một khoản kinh phí không nhỏ trong chi tiêu của các lao động nhập cư. Đây là tâm tư mà nhiều ý kiến phản ánh gửi tới đường dây nóng của Báo Điện tử Chính phủ để kiến nghị có các hình thức hỗ trợ hay giảm giá thuê nhà trọ lúc này. Thời gian qua, có không ít chủ nhà trọ đã chủ động hỗ trợ giảm tiền phòng. Trong lúc này, tinh thần “tương thân tương ái, bầu ơi thương lấy bí cùng” cần nhân lên bội phần. Bên cạnh đó, cũng cần sự vào cuộc, kêu gọi, vận động tích cực của các tổ chức đoàn thể.
Ngoài yếu tố do khó khăn trong đời sống thì trong dòng lao động ngoại tỉnh hồi hương, cũng có những trường hợp về quê để tránh dịch. Vì vậy, để họ an tâm ở lại thì trong chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 tại TPHCM hiện đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết (với 3 triệu liều được cấp đến nay), cũng cần xem xét ưu tiên tiêm sớm cho nhóm đối tượng này.
Được tiêm vaccine, được hỗ trợ tiền điện, nước, viễn thông, tiền thuê nhà trọ và nhu yếu phẩm, chắc chắn rằng những dòng người đổ về quê để tránh dịch sẽ không còn nữa. Vì ở lại, họ sẽ được an toàn hơn, được sớm chứng kiến cảnh bình minh tươi sáng ở Thành phố phóng khoáng và nghĩa tình.
Theo baochinhphu.vn
Truy cập: 1219432
Trực tuyến: 31
Hôm nay: 386