Xã yên hòa
Thứ bảy, ngày 27/07/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

NINH BÌNH VÀ THÀNH QUẢ TỪ TƯ DUY PHÁT TRIỂN HÀI HOÀ, BỀN VỮNG

Thứ sáu, 04/08/2023

Việc phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM), mục đích cuối cùng là để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, do đó, người dân phải là chủ thể. Với nhận thức đó nên mọi chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở Ninh Bình luôn được người dân đồng thuận, góp sức và cũng chính người dân được thụ hưởng thành quả.

Đổi thay từ nông thôn mới

Chúng tôi đến Nhà văn hóa thôn Thổ Hoàng vào cuối buổi chiều, khi rất nhiều người dân của thôn đang tập trung ở đây để luyện tập thể dục-thể thao. Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, nhà văn hóa này đã được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo bà Lưu Thị Hương, người dân thôn Thổ Hoàng: Nhà văn hóa là nơi hằng ngày người dân trong thôn rèn luyện thể dục-thể thao, tập dân vũ, chơi cờ tướng, tập văn nghệ vào các dịp có hoạt động. Nhiều người lớn tuổi có mặt ở nhà văn hóa còn nhiều hơn ở nhà.

Tại xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, chúng tôi cũng chứng kiến hiệu quả rõ rệt của việc xây dựng NTM. Xích Thổ là xã miền núi, nhưng không có chênh lệch quá lớn so với khu vực trung tâm huyện. Trục đường chính dẫn vào trung tâm xã được trải bê tông rộng rãi, khang trang. Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tương đối phát triển. Khu vực trung tâm xã, nhà cao tầng mọc lên san sát, các ngõ xóm đều được bê tông hóa kiên cố.

Theo đồng chí Phạm Văn Hưng, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xích Thổ, thu nhập bình quân đầu người đến tháng 6-2023 của xã đạt 64,2 triệu đồng/người, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra (kế hoạch đến hết năm 2025 đạt 50 triệu đồng/người). Từ năm 2020, XíchThổ được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Hiện toàn xã có 6/10 thôn đã được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu. Chỉ tính riêng số tiền do nhân dân trong xã đóng góp để xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu từ năm 2020 đến nay đã đạt hơn 18 tỷ đồng.

Có thể thấy, việc xây dựng NTM chính là điển hình cho tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, bởi tất cả thành quả của NTM, người thụ hưởng chính là nhân dân. Hiện 100% xã ở Ninh Bình đạt chuẩn NTM; trong đó 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 7/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hướng tới năm 2024, Ninh Bình hoàn thành xây dựng NTM trong toàn tỉnh và được công nhận tỉnh NTM.

Trong quá trình khảo sát tại tỉnh Ninh Bình, chúng tôi nhận thấy, giữa các khu vực trong tỉnh không có sự chênh lệch quá lớn về hạ tầng và chất lượng cuộc sống. Tỉnh Ninh Bình còn đặc biệt chú trọng đến công tác an sinh xã hội. Từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Trong đó, hộ nghèo không có nhà ở được hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà ở mới và hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ nghèo để sửa chữa nhà ở. Đến cuối tháng 6-2023, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 228/500 hộ được phê duyệt. Dự kiến đến cuối năm nay, UBND tỉnh tiếp tục tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về trợ cấp xã hội đối với các đối tượng đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già neo đơn không nơi nương tựa.

Ly nông nhưng không ly hương

Nằm trong vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An, Khu du lịch sinh thái động Thiên Hà vừa đón đoàn du khách Australia đến tham quan và trải nghiệm đời sống, văn hóa của người dân địa phương. Sau khi hoàn thành chuyến đò chở khách tham quan động Thiên Hà, bà Mai Thị Lan, ở xã Sơn Hà, huyện Nho Quan cho biết, công việc chèo đò mang lại thu nhập khá tốt và ổn định cho gia đình. Chồng bà cũng tham gia chèo đò nên tính ra những tháng đông khách, vợ chồng bà có thu nhập khoảng 20 triệu đồng từ công việc này. Vì thế, dù tuổi đã ngoài 60 nhưng vợ chồng bà vẫn tự lo được cuộc sống, không phải nhờ đến con cái.

Thông qua hình thức du lịch cộng đồng, người dân được hưởng lợi nên càng gắn bó, cùng chung tay bảo vệ di sản. "Chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở nhau và răn dạy con cháu không chặt phá rừng, không săn bắt chim muông hay đánh cá bằng xung điện để bảo vệ môi trường, luôn giữ cho động Thiên Hà mãi là thắng cảnh", bà Mai Thị Lan bày tỏ. Trong khi nói chuyện, bà Lan cao hứng ca một làn điệu dân ca về cảnh đẹp Ninh Bình cho chúng tôi nghe.

Là một trong những người đầu tiên khai mở hướng phát triển du lịch cộng đồng, ông Hà Huy Lợi, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Ngôi Sao-đơn vị quản lý Khu du lịch sinh thái động Thiên Hà-nhận thấy, đối với khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài, bản sắc văn hóa, nét đặc trưng vùng miền có sức hấp dẫn rất lớn. “Nhiều người chắc sẽ lạ lắm khi khách du lịch nước ngoài rất hứng thú trả tiền để được đi cấy, đi gặt, để sống cùng người dân địa phương. Điều này góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương”, ông Lợi nói.

Tạo việc làm cho người dân địa phương chính là điều mà Ninh Bình làm được khá tốt trong thời gian qua. Bên cạnh những việc làm từ du lịch thì các doanh nghiệp mở nhà máy, xí nghiệp tại Ninh Bình cũng thu hút chủ yếu lao động địa phương. Công ty Cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (huyện Gia Viễn) có hơn 2.000 công nhân thì đến 90% là người dân Ninh Bình. Anh Đinh Duy Tân, Phó trưởng phòng Hành chính nhân lực của Công ty cho biết: Vợ chồng anh đều làm việc tại Công ty. Nhà chỉ cách Công ty khoảng 5km nên rất thuận lợi cho công việc cũng như sinh hoạt gia đình.

Tại xã Xích Thổ, chúng tôi đến thăm Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Đại Long-doanh nghiệp nổi tiếng với các sản phẩm cơm cháy. Đây cũng là mô hình tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương.

Ông Bùi Văn Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty cho biết: "Công ty hiện có 60 lao động, đa phần là người địa phương, thu nhập của công nhân ở mức 8-10 triệu đồng/người/tháng, nhân viên kinh doanh có thể đạt mức thu nhập 13-15 triệu đồng/người/tháng. Công ty đang có kế hoạch mở rộng sản xuất, xây dựng nhà máy với quy mô 3ha, tạo việc làm cho 200 lao động. Cùng với đó, định hướng của Công ty không chỉ cung cấp sản phẩm mà còn phát triển thành điểm tham quan du lịch, để mọi người có thể tìm hiểu về quy trình sản xuất cơm cháy, đặc sản ẩm thực của vùng đất cố đô".

Qua những câu chuyện nêu trên, chúng tôi nhận thấy, việc người dân “ly nông nhưng không ly hương” đang được Ninh Bình thực hiện mang lại những kết quả rất đáng khích lệ, chứ không chỉ là khẩu hiệu có tính định hướng.

Theo đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, tỷ lệ người dân Ninh Bình thất nghiệp rất thấp, nếu không làm nông nghiệp thì làm du lịch, làm công nhân. Thu nhập bình quân của người lao động Ninh Bình chỉ ở mức trung bình khá, nhưng do được làm ở gần nhà nên không phải chịu chi phí nhà ở, được bảo đảm các nhu cầu thiết yếu về văn hóa, y tế, giáo dục... Người dân có tích lũy nên hăng hái hưởng ứng xây dựng NTM để cuộc sống ngày càng tốt hơn. Chưa vươn lên được mức giàu, nhưng người dân Ninh Bình nhìn chung vẫn hạnh phúc. Bởi, nếu phải làm việc xa nhà, mọi chi phí phục vụ sinh hoạt hằng ngày sẽ tăng cao, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Ở tại làng, bán hàng online

Nhắc đến xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, nhiều khách hàng trên khắp cả nước đã biết đến địa danh này qua những đặc sản địa phương như chạch sụn kho niêu, chạch sụn đông lạnh, sấy khô; chuối tây sấy dẻo... hiện đang được bán trên sàn thương mại điện tử postmart.vn. Từ khi đưa các sản phẩm của địa phương lên sàn thương mại điện tử, sản lượng bán ra tăng gấp 5 lần, thu nhập của người dân tăng gần 2 lần so với trước. Đây là trái ngọt từ quá trình chuyển đổi số toàn diện ở Yên Hòa.

Từ năm 2020, Yên Hòa là một trong 8 xã của cả nước được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn thí điểm chuyển đổi số. Sau gần 3 năm triển khai, nhờ tận dụng thành quả của chuyển đổi số và nhiều chủ trương, giải pháp hiệu quả trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, thu nhập của nhân dân trong xã tăng từ 39 triệu đồng/người năm 2020 lên 70,8 triệu đồng/người/năm (tính đến tháng 6-2023), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra (chỉ tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 55 triệu đồng). Xã Yên Hòa đã hoàn thành và vượt 11/13 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng chí Hoàng Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND xã Yên Hòa khẳng định: "Xã luôn xác định lấy người dân làm trung tâm trong thực hiện cải cách hành chính. Đơn cử như với chuyển đổi số, mục tiêu là để phục vụ người dân tốt hơn, rút ngắn thời gian, quy trình, thủ tục, giảm phiền hà cho nhân dân". Tìm hiểu, chúng tôi được biết, xã Yên Hòa đã xây dựng được nhiều hệ thống giao tiếp giữa chính quyền và người dân như: Hệ thống tin nhắn SMS; ứng dụng “Công dân số”; trang thông tin của xã trên Zalo. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của xã giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử. Người dân không cần đến trụ sở mà vẫn có thể biết yêu cầu thủ tục hành chính của mình đang được xử lý đến đâu.

Hiện nay, cơ cấu phân bố dân cư ở Ninh Bình có khoảng 20% sinh sống ở thành thị và 80% ở nông thôn. Tuy nhiên, cơ cấu lao động chỉ có 20% trong lĩnh vực nông nghiệp, còn lại 80% là làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Hơn 10 năm trở lại đângười dân Ninh Bình có xu hướng "ly nông nhưng không ly hương", họ yên tâm để an cư tại quê hương. Sự hài lòng của người dân về chất lượng cuộc sống là thước đo chính xác nhất, khẳng định tính đúng đắn của tỉnh Ninh Bình về định hướng phát triển hài hòa, bền vững./.#YM

Tác giả: Quang Phương

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Thông tin truy cập

Truy cập: 1023406

Trực tuyến: 118

Hôm nay: 1604