Lộ trình tiêm vắc xin cho mục tiêu kép
Việt Nam đã và đang theo đuổi mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Chuyện lạc quan từ cặp vợ chồng mắc Covid và bài tập thở của vị giáo sư
Không để cho dân đói trong đại dịch
Trong năm 2020 và những tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược này - được thể hiện thông qua tỷ lệ người nhiễm Covid-19 thấp (0,01% trên tổng dân số) và số người tử vong cũng rất thấp (55 người - chiếm 0,56% trong tổng số người mắc).
Tuy nhiên, sự lây lan quá nhanh của biến chủng Delta đã gây ra đợt dịch Covid-19 hiện tại, bùng phát mạnh từ tháng 4, đe dọa nghiêm trọng tới việc thực hiện chiến lược mục tiêu kép (số lượng người nhiễm từ ngày 27/4 đến 5/8 lên 177.804 người, và dịch đã lan ra 62 tỉnh; tình hình diễn tiến nghiêm trọng ở một số trung tâm kinh tế trọng điểm như TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng, dẫn đến việc phải giãn cách toàn xã hội, theo Chỉ thị 16 và còn cao hơn Chỉ thị 16).
Tình hình đó đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về mặt chiến lược chống Covid cũng như điều chỉnh về mục tiêu kép trong tình hình mới.
Nội hàm của mục tiêu kép
Nếu mục tiêu kép trước đây giữ gìn và đẩy mạnh tăng trưởng, giảm tối đa các ca dương tính, thì mục tiêu kép "mới" là: Cực tiểu hóa các ca nhiễm bệnh nặng và tử vong, trong khi vẫn có thể có tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) nhưng với một nhịp độ có thể thấp hơn chỉ tiêu 6,5% cho năm nay.
Chốt kiểm dịch trên quốc lộ 5A địa phận Hải Phòng |
Theo ý chúng tôi, Việt Nam tập trung vào chống dịch, đặc biệt chiến lược tiêm vắc xin. Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã kêu gọi các quốc gia tập trung vào thực hiện chính sách vắc xin, và cho rằng trong năm nay, có thể cả năm sau, chính sách vắc xin còn quan trọng hơn cả các chính sách tài chính và tiền tệ.
Điều này cũng nhất quán với nhận định của Philippe Aghion (GS Harvard từng làm tư vấn chính sách cho Tổng thống Pháp) và đồng nghiệp rằng không có sự đánh đổi giữa sức khỏe và kinh tế - chỉ có thể phát triển kinh tế khi chống dịch Covid thành công.
Ngoài ra, việc tiêm nhanh và hiệu quả còn có tác dụng (i) ngăn chặn chủng Delta bành trướng mạnh và có cơ nguy biến dạng thành một chủng khác nguy hiểm hơn nữa. Như thế sẽ tác hại toàn cầu; (ii) để hy vọng là Việt Nam sẽ đạt được, trong chừng mực nào đó, miễn dịch cộng đồng.
Hiện nay, đã có sự đồng thuận tương đối giữa các giới chuyên môn về y khoa, kinh tế cũng như các cơ quan hữu trách về sự cần cần thiết của biện pháp tiêm vắc xin chống Covid-19 càng nhanh càng tốt. Mục tiêu của bài viết ngắn này là đưa ra một lộ trình tiêm vắc xin với mục tiêu kép mới.
Chúng tôi xin lưu ý rằng lộ trình triển khai tiêm vắc xin chúng tôi đề xuất ở đây là trong hoàn cảnh: (i) Việt Nam đang có dịch nghiêm trọng với biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao; (ii) các địa phương có mật độ dân số khác nhau, tầm quan trọng kinh tế khác nhau và mức độ dịch khác nhau, (ii) Việt Nam chưa tự chủ được nguồn vắc xin, phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu hoặc viện trợ từ bên ngoài, (iii) đa dạng về chủng loại vắc xin với các mức hiệu quả chống lây nhiễm và chống tử vong khác nhau.
Đối tượng ưu tiên
Ngoài những nhóm đối tượng đã được Chính phủ xác định ưu tiên tiêm chủng, chúng tôi muốn bổ sung 3 nhóm đối tượng.
Nhóm 1: Tại Việt Nam, cũng giống như các nước trên thế giới, nếu tỷ lệ bị lây nhiễm Covid-19 của người dưới 65 tuổi là rất cao so với người trên 65, thì ngược lại những ca bị nặng, phải vào đơn vị chăm sóc đặc biệt, hay tử vong lại rất cao ở những người trên 65 tuổi, và những người có bệnh nền.
Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của tiêm chủng là hạn chế tối đa những ca tử vong hay bệnh nặng. Do đó, những người trên 65 tuổi và người có bệnh nền là đối tượng đáng quan tâm nhất trong chiến lược tiêm vắc xin.
Trong bài viết Chiến lược tối ưu chống Covid, Melis Tekant của Đại học Harvard chỉ rõ, khi ưu tiên người trẻ sẽ làm giảm số ca lây nhiễm nhưng không làm giảm các ca nặng và tỷ lệ chết, còn ưu tiên tiêm cho người già thì sẽ giảm các ca nặng nhưng không làm giảm lây nhiễm.
Trong hoàn cảnh số ca nhiễm đã quá lớn, việc đặt mục tiêu không lây nhiễm là bất khả thi, và mục tiêu giảm ca nặng cần được ưu tiên.
Nhóm 2: Nhóm lao động thiết yếu, là những người lao động cần thiết để đảm bảo cho sự vận hành cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu.
Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng việc ưu tiên vắc xin cho nhóm này sẽ làm giảm cả số lượng người bị lây nhiễm cũng như ca nặng phải nhập viện hay tử vong.
Ở từng nước, nhóm lao động thiết yếu có thể khác nhau. Do đó, Việt Nam cần xác định các nhóm lao động thiết yếu để đảm bảo nền kinh tế vẫn có thể vận hành suôn sẻ, vừa chống dịch vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế.
Nhóm 3: Nhóm siêu lây nhiễm. Đây là nhóm người, dân cư có tiếp xúc xã hội nhiều (một phần có thể do tính chất ngành nghề, độ tuổi). Họ chỉ chiếm 10% tổng số người bị nhiễm nhưng lại có thể gây ra đến 80% tổng số ca nhiễm. Tiêm vắc xin sớm cho nhóm này cũng được coi là một ưu tiên chống dịch đặc biệt hiệu quả, nếu như có thể xác định sớm được nhóm này.
Lộ trình tiêm vắc xin cho TP.HCM
Hiện tại, diễn biến dịch tại TP vẫn còn rất phức tạp, và đang được sự ưu tiên của cả nước, vừa để chống dịch sớm vừa để đảm bảo phát triển kinh tế.
TP.HCM là nơi năng động nhất về kinh tế của Việt Nam. Tỷ trọng GDP của TP là 22% của GDP Việt Nam. Dân số vào quãng 9 triệu người, số lượng công nhân khoảng 3,5 triệu.
Tỷ lệ người trên 65 tuổi của toàn quốc là quãng 8%. Nếu giả thiết là tỷ lệ này cũng đúng cho TP.HCM thì chúng ta sẽ có trên dưới 720.000 người trên 65 tuổi ở TP. Trong số những người này, nhiều người có bệnh nền (huyết áp cao, tiểu đường, suy tim, mỡ trong máu nặng, ung thư). Chúng tôi giả sử số người dưới 65 tuổi có bệnh nền ở TP là quãng 500.000. Như thế, tổng cộng số người trên 65 tuổi, số người có bệnh nền và số lượng công nhân sẽ là khoảng 4,7 triệu người.
TP.HCM đã thông báo sẽ có 5 triệu liều vắc xin trước ngày 15/8. Chúng tôi đề ra phương án như sau:
Đợt 1: Tiêm vắc xin cho toàn bộ công nhân (3,5 triệu người) và toàn bộ người trên 65 tuổi và có bệnh nền. Sẽ dôi ra 300.000 liều vắc xin. TP sẽ tiêm cho những người ở tuyến đầu chống dịch và lái xe đường dài, bán hàng ở chợ đầu mối, nhân viên giao hàng... Đợt 1 sẽ tiến hành trong vòng 3 tuần.
TP.HCM đã thông báo sẽ có 5 triệu liều vắc xin trước ngày 15/8. Ảnh: Phong Anh |
Đợt 2: Sẽ tiêm tiếp toàn bộ những người đã được tiêm mũi thứ nhất ở đợt 1. Đợt 2 cũng sẽ diễn ra trong 3 tuần. Như vậy, sau 6 tuần, TP sẽ giải quyết vấn đề của những người trên 65 tuổi, người có bệnh nền và lao động ở các khu công nghiệp.
Các khu công nghiệp có thể hoạt động trở lại tương đối bình thường. Công nhân sẽ không bị giữ lại tại chỗ, để vừa làm việc, vừa nghỉ. Họ về lại nhà như trước. Vì những người lớn tuổi và người có bệnh nền đã được tiêm 2 lần, những người dưới 65 chưa được tiêm sẽ không làm lây lan nhiều đến những người cao tuổi và người có bệnh nền.
Đợt 3: TP sẽ tiêm cho những người dưới 65 tuổi (dân số nói chung). Mục đích tiếp tục tiêm vắc-xin là: (i) ngăn chặn chủng Delta bành trướng mạnh và có cơ nguy biến dạng thành một chủng khác nguy hiểm hơn nữa. Như thế sẽ tác hại toàn cầu; (ii) để hy vọng là Việt Nam sẽ đạt được, trong chừng mực nào đó, miễn dịch cộng đồng.
Lộ trình cho những tỉnh thành khác
Những tỉnh, thành có tầm quan trọng kinh tế, có nguy cơ Covid cao (như Bình Dương, Đà Nẵng, các tỉnh miền Tây): Mô hình ở TP.HCM sẽ được áp dụng cho những tỉnh thành, những vùng có khu công nghiệp (tại các tỉnh này) đang có nguy cơ.
Với những tỉnh miền núi, dân cư thưa, nguy cơ Covid chưa cao: Hiện số lượng vắc xin được phân bổ cho các tỉnh này chưa nhiều, do còn đang ưu tiên những tỉnh có dịch, nên sẽ triển khai tiêm trước cho các nhóm ưu tiên đã nêu ở trên.
Đi từ nhóm ưu tiên đến dân số nói chung: Ở những vùng phi công nghiệp khác tại các tỉnh này, nên tiêm ưu tiên cho những người trên 65 tuổi và người có bệnh nền. Cũng nên tiêm, tương đối ưu tiên, cho các lái xe đường dài để hàng hóa có thể lưu thông (chuỗi sản xuất không bị cắt đứt).
Tóm lại, với mô hình này, Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi tương đối kinh tế và vừa bảo đảm giảm tối đa các ca tử vong hay bệnh nặng xảy ra cho độ tuổi trên 65 và những người có bệnh nền.
Nguồn: https://vietnamnet.vn
Truy cập: 1219687
Trực tuyến: 87
Hôm nay: 641