Xã yên hòa
Thứ năm, ngày 21/11/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

Hiểu đúng về hậu COVID-19 ở trẻ em

Thứ năm, 14/04/2022

Hiểu đúng về hậu COVID-19 ở trẻ em

Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, số trẻ em mắc bệnh tăng nhiều, trong đó có nhóm trẻ chưa được tiêm phòng từ 5 đến dưới 12 tuổi. Điều đáng lưu ý, đã có những thông tin chưa đúng về di chứng hậu COVID ở trẻ em, đòi hỏi các bậc phụ huynh cần có những hiểu biết đúng, tránh những thông tin không chính xác, gây hoang mang, lo ngại không đáng có.

Hiểu đúng về hậu COVID-19 ở trẻ em

Điều trị cho trẻ hậu COVID-19 tại Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh.

Tháng 2/2022, em Nguyễn Tiến Anh, 6 tuổi, ở thị trấn Yên Thịnh (huyện Yên Mô) bị mắc COVID-19, được theo dõi, điều trị tại nhà và đã khỏi bệnh sau đó 10 ngày. Tuy nhiên, sau khoảng 6 tuần, Tiến Anh có các triệu chứng như sốt cao liên tục, đau họng, đau đầu, đau người... cho uống thuốc giảm sốt không đỡ, ngày càng có thêm các triệu chứng nặng, gia đình phải cho em nhập viện điều trị. 

Bà Trần Thị Tho, bà nội của Nguyễn Tiến Anh cho biết: Nhập viện điều trị tại Bệnh viện Sản-Nhi Ninh Bình, cháu được làm các xét nghiệm cần thiết và chẩn đoán hội chứng hậu COVID với các triệu chứng ho, sốt kéo dài, đau mỏi người, sau đó là các triệu chứng tăng nặng như nôn, mắt đỏ, đau bụng, tiêu chảy... Tại đây, các bác sĩ đã dùng các loại thuốc tiêm, truyền, sau điều trị 7 ngày thì cháu khỏi bệnh, được xuất viện về nhà.

Bác sĩ Trần Thị Ánh Hồng, Trưởng khoa Tim mạch-thận-dị ứng miễn dịch, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh cho biết: Em Nguyễn Tiến Anh là một trong số các ca bệnh mắc Hội chứng viêm đa hệ thống hậu COVID-19 với các dấu hiệu như sốt kéo dài, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, mắt đỏ... Do bệnh được phát hiện sớm, còn ở thể nhẹ, được điều trị tích cực bằng kháng sinh, thuốc chống viêm và một số liệu pháp khác, nên sau 7 ngày là khỏi bệnh. Sau đó bác sĩ tư vấn, gia đình cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức khỏe cho em. 

Tính từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tại khoa Tim mạch-thận-dị ứng miễn dịch đã tiếp nhận hơn 10 trường hợp hậu COVID-19, với các triệu chứng tăng nặng không thể điều trị ngoại trú, cần nhập viện điều trị. Trong đó, đã có một số trường hợp gặp phải Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) với tình trạng bệnh nặng phải chuyển tuyến trên điều trị.

Cũng theo bác sĩ Trần Thị Ánh Hồng, Trưởng khoa Tim mạch-thận-dị ứng miễn dịch, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, thực tế, trẻ em khi mắc COVID-19 thường bị bệnh nhẹ hơn rất nhiều so với người lớn. Nhiều trẻ không có triệu chứng hoặc nếu có thì hầu hết chỉ là những biểu hiện thông thường như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, có thể dễ dàng khỏi bệnh bằng một số thuốc cơ bản hay thậm chí không cần dùng thuốc vẫn có thể khỏi bệnh sau đó vài ngày đến 1 tuần. Do đó, nhiều cha mẹ thường chủ quan, không để ý đến các biến chứng hậu COVID, dễ dẫn đến tình trạng bệnh nặng cho trẻ. 

Theo đó, hậu COVID-19 ở trẻ em cần lưu ý đến vấn đề về hô hấp. Đây là dấu hiệu thường thấy nhất. Do COVID-19 thường ảnh hưởng đến phổi nên các triệu chứng hô hấp kéo dài khá phổ biến, bao gồm: Ho, đau ngực, khó thở. Các triệu chứng này có thể kéo dài 3 tháng hoặc lâu hơn. Vấn đề về tim mạch: Các triệu chứng của viêm cơ tim có thể xảy ra, bao gồm: Đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều và mệt mỏi. Ngoài ra còn có các vấn đề khác như: mùi và vị thay đổi, chán ăn, kém tập trung, mệt mỏi về tinh thần, thể chất; đau đầu, choáng váng; sức khỏe tâm thần và hành vi cũng là một trong những triệu chứng dễ thấy ở trẻ.

Đặc biệt nguy hiểm hơn là hội chứng viêm đa hệ cơ quan ở trẻ em (MIS-C). Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nặng, có nguy cơ dẫn đến tử vong, thường xảy ra từ 2 đến 6 tuần sau khi mắc COVID-19. Với các biểu hiện bao gồm sốt dài hơn 3 ngày, kèm theo tổn thương da niêm mạc (nổi ban, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ như quả dâu tây, phù nề bàn tay, bàn chân); rối loạn tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy, nôn); suy tim (mệt, xanh tái, môi nhợt, tay chân lạnh). Hội chứng này gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể trẻ, như đường tiêu hóa, hệ thống tim mạch, thận, bệnh rất nặng và dễ gây tử vong cho trẻ.

Do đó, theo bác sĩ Ánh Hồng, với trẻ đã từng mắc COVID-19, các gia đình không được chủ quan, cha mẹ cần quan sát, theo dõi trẻ kỹ sau khi khỏi COVID-19. Thời gian theo dõi là sau khi trẻ âm tính khoảng 2-6 tuần, nếu có biểu hiện sốt cao trở lại, phát ban, phù nề, rối loạn tiêu hóa, mệt, da tái, nhịp tim nhanh, cần cho trẻ đi khám để được chẩn đoán sớm và điều trị. Lúc này trẻ sẽ được đánh giá mức độ nặng, tìm nguyên nhân của các triệu chứng hiện tại, mức độ hồi phục của COVID-19, phát hiện các biến chứng, điều chỉnh việc điều trị bệnh lý nền nếu cần… để có hướng khắc phục sớm.

Khi chăm sóc trẻ hậu COVID-19, cha mẹ cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, tập luyện và tinh thần, nhất là đối với trẻ lớn, trẻ từng bị COVID-19 nặng phải nhập viện. Với chế độ dinh dưỡng, trẻ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các loại rau, trái cây, uống nhiều nước, bổ sung vitamin. Đồng thời cho trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc. Tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao và giải trí lành mạnh như xem phim, nghe nhạc, đọc sách, dã ngoại vui chơi…

Bên cạnh đó, với chủng biến thể Omicron, qua theo dõi cho thấy, lây nhiễm nhiều hơn ở trẻ em, đặc biệt là trẻ chưa được tiêm chủng. Do đó cần tiêm chủng cho trẻ ngay khi có vắc xin dự phòng, kể cả với trẻ đã mắc COVID-19 sau 3 tháng là có thể tiêm phòng. Việc tiêm chủng có 2 ý nghĩa, vừa giảm lây nhiễm cho trẻ em, vừa giảm lây nhiễm cho những người trong gia đình, từ đó bảo vệ cho những người nguy cơ cao, như người chưa đến tuổi tiêm chủng, người chống chỉ định với vắc xin phòng COVID-19… 

Nguồn:baoninhbinh.org.vn

Thông tin truy cập

Truy cập: 1219469

Trực tuyến: 62

Hôm nay: 423