81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị: Khúc tráng ca bất tử
50 năm đã trôi qua, khúc tráng ca của 81 ngày đêm lịch sử đã lùi xa nhưng mảnh đất năm xưa, con người năm ấy ở Quảng Trị được khắc ghi như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Tháp chuông Thành cổ được khánh thành vào ngày 29/4/2007 để tưởng nhớ hương hồn các anh hùng, liệt sỹ đã hi sinh xương máu vì độc lập dân tộc. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Cuộc chiến đấu anh dũng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972) đã đi vào lịch sử như bản tráng ca hào hùng của quân và dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung.
Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, hàng nghìn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống. Xương máu của các anh đã hóa thân vào từng tấc đất, hòa vào mênh mang sóng nước của dòng Thạch Hãn "ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng"...
"Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm"
(Trích thơ "Lời người bên sông" - Lê Bá Dương)
Thành cổ Quảng Trị - "81 ngày đêm máu và hoa"
Nằm giữa trung tâm thị xã Quảng Trị, Thành cổ Quảng Trị là một công trình kiến trúc thành lũy cổ, đồng thời cũng là lỵ sở hành chính - chính trị của tỉnh Quảng Trị.
Suốt chiều dài lịch sử, với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, Thành cổ Quảng Trị không chỉ có vai trò to lớn đối với sự phát triển của địa phương, mà còn có vị trí quan trọng to lớn đối với tiến trình phát triển của dân tộc.
Ngày 9/12/2013, Thành cổ Quảng Trị đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chính quyền Mỹ-Ngụy coi tuyến phòng thủ Quảng Trị là "con đê ngăn chặn" vững chắc nhất ở miền Nam Việt Nam. Nhưng phòng tuyến đó đã bị quân đội ta chọc thủng vào ngày 1/5/1972, buộc quân địch phải rút khỏi thị xã Quảng Trị. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng gồm hơn 10 vạn dân.
Không chấp nhận mất Quảng Trị, được sự viện trợ tối đa của đế quốc Mỹ, chính quyền Sài Gòn dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị, trong đó mục tiêu số một là chiếm lại Thành cổ.
Về chính trị, chúng hy vọng qua cuộc phản kích này sẽ lấy lại được tinh thần, xóa được tâm lý thất bại đang phát triển tràn lan trong quân đội ngụy, đồng thời gây sức ép với ta tại hội nghị Paris.
Về quân sự, chúng hy vọng sẽ phá được cuộc tấn công của quân ta, giữ vững cố đô Huế và chiếm lại được tỉnh Quảng Trị - mảnh đất địa đầu chiến lược miền Nam, là đầu mối giao thông quan trọng nối liền Việt Nam với Trung, Hạ Lào. Đây cũng là một trong những nỗ lực cuối cùng để cứu vãn chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" đang bị phá sản.
Ngày 13/6/1972, Nguyễn Văn Thiệu quyết định mở cuộc hành quân "tái chiếm Quảng Trị" mang mật danh "Lam Sơn 72". Để chắc thắng, Nguyễn Văn Thiệu đã huy động 4 sư đoàn mạnh nhất, trong đó có toàn bộ sư đoàn dù và sư đoàn lính thủy đánh bộ thuộc lực lượng cơ động chiến lược.
Lực lượng tham gia chiến dịch tương đương 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn và nhiều đơn vị không quân, pháo hạm của Mỹ; đồng thời điều Trung tướng Ngô Quang Trưởng - một viên tướng được kỳ vọng nhiều nhất trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội Việt Nam cộng hòa làm Tư lệnh Quân khu 1, Quân đoàn 1.
Ngày 14/6/1972, địch bắt đầu mở cuộc hành quân hành quân "Tái chiếm lại Quảng Trị". Đây chính là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - được mệnh danh là "mùa Hè đỏ lửa," với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có.
Tượng đài Chiến thắng bờ bắc sông Thạch Hãn. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Mở màn cuộc hành quân "Lam Sơn 72," sáng 28/6/1972, dưới sự chi viện của không quân và hải quân Mỹ, các sư đoàn chủ lực của quân đội Việt Nam cộng hòa ồ ạt tiến công sang bờ Bắc sông Mỹ Chánh, thực hiện cuộc hành quân "tái chiếm lãnh thổ."
Cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại Quảng Trị trong 81 ngày đêm, từ 28/6 đến 16/9/1972, diễn ra vô cùng ác liệt, suốt cả ngày lẫn đêm. Hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Bom đạn đã phá hủy hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành cổ cũng bị phá nát hoàn toàn.
Các chốt quan trọng như Long Quang, nhà thờ Trí Bưu, ngã ba Long Hưng, ngã ba Cầu Ga… là những nơi mà quân giải phóng bất chấp hiểm nguy, gian khổ để đập tan các đợt phản kích của địch. Có ngày ta phải đương đầu với 5 đợt tấn công bằng bộ binh, xe tăng, phi pháo của địch.
Đặc biệt, Thành cổ Quảng Trị là tiêu điểm ác liệt nhất và cũng là nơi thể hiện tinh thần anh dũng hy sinh, chiến đấu phi thường của quân và dân ta. Hàng nghìn chiến sỹ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này.
Ngày 16/9/1972, quân ta chủ động rút khỏi Thành cổ sau khi đã gây tổn thất nặng nề cho địch. Ta đã tiêu diệt 2 sư đoàn cơ động chiến lược của địch, diệt 26.000 tên, bắt sống 71 tên, đánh thiệt hại nặng 19 tiểu đoàn, phá hỏng 349 xe quân sự trong đó có 200 xe tăng và thiết giáp, bắn rơi 205 máy bay, thu 500 súng các loại.
Khúc tráng ca bất tử
Trên báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 9/8/1972 đã viết: "Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót."
Trong những ngày đó, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, ác liệt, mưa lũ triền miên để bám trụ và chiến đấu với các đối tượng sừng sỏ, thiện chiến của quân ngụy Sài Gòn với sự yểm trợ hỏa lực chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Đông Dương.
Một tờ báo của Mỹ đã viết: Kỷ luật, lý tưởng và tinh thần coi thường cái chết đã kết hợp với nhau như thế nào mà khiến các chiến sỹ Việt cộng vẫn xông lên dưới mưa bom B52? Không có một nhà phân tích nào ở Mỹ đi đến một giải thích đầy đủ.
Sau này, nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật quân sự đã đặt vấn đề: Không hiểu sức mạnh nào đã khiến cho hàng vạn người lính, bất chấp hiểm nguy của mưa bom bão đạn, sẵn sàng vượt sông bảo vệ Thành Cổ mà không tiếc thân mình. Điều này được những cựu chiến binh năm xưa lý giải, đó là lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khi lòng yêu nước đã lên đến tột cùng thì cái chết cũng nhẹ nhàng như hòa mình vào dòng nước chảy.
Bến thả hoa phía Bắc sông Thạch Hãn. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Cuộc chiến đấu ở đây đã diễn ra như một huyền thoại và cách đánh cũng vượt ra khỏi những quy ước thông thường: không kể bộ binh hay công binh, thông tin, quân y… đều cầm súng bắn trả địch. Cuộc chiến đấu anh hùng 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị kết thúc, ghi dấu sức mạnh kiên cường, ý chí bền bỉ mạnh mẽ của quân và dân ta.
Những người lính Thành Cổ, đa số tuổi đời còn rất trẻ, đã lấy gan vàng chọi với sắt thép để tạc nên một tượng đài sừng sững với khát vọng độc lập, thống nhất về lương tri và phẩm giá con người trước vận mệnh đất nước. Có thể nói rằng, cuộc chiến 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ Quảng Trị là một khúc tráng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được viết bằng máu, có biết bao chiến sỹ quân giải phóng đã ngã xuống mà nhiều người trong số họ thân xác vĩnh viễn tan hòa vào đất đai, cây cỏ...
Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, thị xã Quảng Trị đã góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thực hiện trọn vẹn di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cho Bắc-Nam sum họp một nhà, Tổ quốc Việt Nam thống nhất.
50 năm đã trôi qua, khúc tráng ca của 81 ngày đêm lịch sử đã lùi xa, những dấu tích về trận đánh không còn nhiều, các nhân chứng sống dần một ít đi, nhưng mảnh đất năm xưa, con người năm ấy mãi mãi được khắc ghi như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị là nơi khắc dấu những chiến công bất tử của quân, dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung; nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau.
Quảng Trị hôm nay đã vươn lên mạnh mẽ với một sức sống mới, viết nên câu chuyện cổ tích có thật về "đất thép nở hoa."
Từ một vùng đất bom cày đạn sới, nay diện mạo kinh tế-xã hội của tỉnh không ngừng phát triển, thu nhập và mức sống người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Truy cập: 1219537
Trực tuyến: 66
Hôm nay: 491