Xã Yên Hòa phát triển sản xuất hàng hóa nâng cao thu nhập trong xây dựng Nông thôn mới.
Yên Hòa là một xã miền núi nằm ở phía Tây Nam của huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, cách trung tâm huyện 2 km. Phía Bắc giáp xã Khánh Thượng, phía Nam giáp xã Yên Thành, phía Đông giáp xã Yên Hưng, thị trấn Yên Thịnh, phía Tây giáp xã Yên Thắng; xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 802,03 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 523,26 ha. Toàn xã có 2.279 hộ với 7.660 nhân khẩu (trong đó có 530 hộ theo đạo công giáo với 1.763 nhân khẩu); xã có 01 quỹ tín dụng và 02 HTX (HTX NN Yên Hòa và HTX sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản an toàn Yên Hòa), 10 đơn vị thôn; Đảng bộ xã có 369 đảng viên với 16 chi bộ trực thuộc, trong đó có 10 chi bộ nông nghiệp, 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ tín dụng, 1 chi bộ y tế và 1 chi bộ cơ quan.
Năm 2011 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, qua khảo sát đánh giá cụ thể từng tiêu chí Yên Hòa mới chỉ đạt 3/19 tiêu chí, là xã đứng thấp nhất của huyện Yên Mô. Nhưng với tinh thần quyết tâm chính trị rất cao, Đảng bộ và nhân dân Yên Hòa đã huy động tối đa các nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước, lồng ghép các chương trình dự án, cùng với sự chung tay, góp sức, ủng hộ rất lớn của các doanh nghiệp, con em quê hương. Đặc biệt là sự ủng hộ và tham gia đóng góp về tiền và công lao động của toàn thể nhân dân trong xã. Đến 9/2015 xã đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Với thành công trong xây dựng nông thôn mới bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn từng ngày được đổi mới; cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ; kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định.
(Hình ảnh khu trung tâm xã)
Không dừng lại và hài lòng với những kết quả đã đạt được, xác định chương trình xây dựng nông thôn mới là một chương trình lâu dài và xuyên suốt quá trình phát triển của quê hương Yên Hòa nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung; phải tập trung giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đưa xã trở thành một xã nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2020. Để thực hiện được nhiệm vụ đó Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Hòa đã tích cực tìm tòi, sáng tạo, phát huy các tiềm năng, lợi thế, khai thác các nguồn lực, huy động các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một nhiệm vụ trọng tâm. Vì Yên Hòa là xã đồng chiêm trũng không bằng phẳng nên thực hiện tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp phải được coi là trọng điểm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn xã.
Xác định được điều đó, những năm qua song song với việc phát triển các ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Xã Yên Hòa đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu là xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, khí hậu, lao động, kỹ thuật và kinh nghiệm canh tác truyền thống của nhân dân, giữ gìn bảo vệ môi trường.
Để triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ngày 29/3/2017 Ban chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/ĐU về lãnh đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 22/4/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Mô về phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2016 – 2020. Ủy ban nhân dân xã đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn xã giai đoạn 2017 – 2020 được triển khai tới tất cả các đảng viên và toàn thể nhân dân tại hội nghị của 16 chi bộ và 10 thôn để thông qua và xin ý kiến đóng góp cụ thể của nhân dân. Sau khi xin ý kiến và hoàn chỉnh Đề án đã được Hội đồng nhân dân xã thông qua. Từ đó UBND xã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để triển khai thực hiện trong các năm.
Nghị quyết 03/NQ-ĐU của Đảng ủy xã đã được cụ thể hóa bằng Để đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đã đi vào cuộc sống của nhân dân và được nhân dân tin tưởng, tham gia ủng hộ tích cực. Xã đã tập trung tuyên truyền thông qua các hội nghị, hệ thống đài truyền thanh để nhân dân biết, thực hiện. Tổ chức hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND xã với hơn 200 hộ dân có mô hình kinh tế để giải đáp các thắc mắc; tổ chức cho trên 100 hộ dân đi tham quan mô hình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, học tập mô hình trồng chuối tây Thái Lan ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên; mô hình nuôi cá chạch sụn tại tỉnh Nam Định. Mặc dù ngân sách xã còn khó khăn nhưng năm 2017 xã đã trích ngân sách 260 triệu đồng để hỗ trợ cho những hộ có mô hình chuyển đổi diện tích từ 2 ha trở lên với mức 17 triệu đồng/ha; hộ có diên tích từ 1ha đến dưới 2 ha mức 13 triệu đồng/ha; hộ có diện tích dưới 1 ha hỗ trợ 11 triệu đồng/ha để khuyến khích nhân dân.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã đã dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung có quy mô lớn được đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất. Đến nay tổng diện tích các mô hình kinh tế trên địa bàn xã đã đạt 145 ha, chiếm 27,71% diện tích đất nông nghiệp. Trong đó, diện tích vùng sản xuất chuyên canh rau cần, rau rút kết hợp ương nuôi cá giống khu vực Liên Trì đã mở rộng với diện tích 63 ha, chuyển đổi sản xuất lúa – cá với diện tích 59 ha; chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả và đất chua khó canh tác các loại cây màu sang trồng chuối tây Thái Lan kết hợp nuôi cá với diện tích 15 ha; mô hình nuôi cá chạch sụn 8 ha; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp đưa các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế vào trồng; áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất nông nghiệp; mở rộng diện tích lúa gieo vãi đạt 90%. Để liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của xã, năm 2017 xã đã thành lập ra HTX sản xuất, tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa với 54 thành viên. HTX sản xuất, tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa đã thực hiện ký kết hợp đồng cung ứng giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cá chạch sụn với 01 doanh nghiệp ở tỉnh Nam Định với giá thu mua là 80.000 đồng/kg. Dự kiến năm 2018 sản lượng tiêu thụ đạt 180 tấn, doanh thu đạt 14,4 tỷ đồng. Tích cực đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau rút – rau cần làng Liên Trì và các sản phẩm khác, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng sản xuất. Bên cạnh đó, HTX sản xuất tiêu thụ cây, con đặc sản an toàn còn tìm kiếm và đứng ra cung ứng các loại giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao để phục vụ nhân dân để cải tạo vườn tạp và diện tích các khu trang trại.
(Đường hoa trên tuyến đường sông Đa Tán)
Năm 2013, xã đã thực hiện Dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang lại đồng ruộng thành công, nhân dân đã tích cực đóng góp trên 3,2 tỷ đồng và hiến 19,67 ha đất để thực hiện chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch lai toàn bộ hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng. Sau dồn điền đổi thửa mỗi hộ trên địa bàn xã chỉ còn trên 1 mảnh ruộng là tiền đề quan trọng để xã thực hiện thành công tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh cần có diện tích lớn. Do vậy xã đã tập trung tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho nhân dân thuê đất, chuyển nhượng đất 313, dồn đổi đất 5% ngân sách xã gọn vùng để tập trung ruộng đất xây dựng phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung. Điển hình như gia đình ông Vũ Khắc Vượng ở thôn Trinh Nữ 3 đã tích tụ được 4 ha đất để sản xuất 2,5 ha chuối–cá và 1,5 ha lúa -cá. Ông Vũ Đức Tôn ở thôn Thổ Hoàng tích tụ được 1 ha để sản xuất lúa–cá, ao nổi. Ông Nguyễn Văn Hà ở thôn Trinh Nữ 1 có 1 ha diện tích nuôi cá chạch sụn.
(Nhân dân Làng Liên Trì thu hoạch rau rút)
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Yên Hòa tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và mở rộng các vùng sản xuất cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, đưa các loại cây trồng, con nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, tiếp tục có những chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho nhân dân phát triển các mô hình kinh tế, từng bước hình thành các vùng chuyên canh tập trung có quy mô lớn. Xây dựng vững chắc hoạt động của HTX sản xuất, tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa; ổn định đầu ra cho các sản phẩm; tiếp tục mở rộng và phát triển các mô hình phấn đấu đến năm 2020 mở rộng diện tích vùng chuyên canh rau rút –rau cần lên 70 ha; diện tích nuôi cá chạch sụn lên 22 ha; diện tích trồng chuối lên 21 ha.
Có thể nói, tình hình kinh tế - xã hội của Yên Hòa đã có bước phát triển vững chắc; đời sống của nhân dân dân ngày càng được nâng cao. Tính đến hết năm 2017 thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 41 triệu đồng/người/năm; giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt 140 triệu đồng/ha/năm. Có được kết quả như hôm nay là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành. Sự lãnh đạo sáng tạo, nhạy bén Đảng bộ, Ủy ban nhân dân xã, sự phù hợp giữa Ý Đảng – Lòng dân; phát huy được tiềm năng, lợi thế, huy động các tầng lớp nhân dân tham gia, thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá, xây dựng mô hình kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết sản xuất – bao tiêu ổn định.
Bằng việc làm cụ thể, hướng đi phù hợp đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã. Với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sự đồng thuận giữa: Ý Đảng – Lòng dân. Tin tưởng rằng kinh tế - xã hội của xã sẽ ngày một phát triển; thu nhập, đời sống người dân ổn định và nâng cao, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà xã đặt ra đến năm 2020 sẽ là xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đây cũng là tâm nguyện của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân xã Yên Hòa./.
Đ/c Phạm Văn Ngân - PBT, CT UBND xã
Truy cập: 1219542
Trực tuyến: 67
Hôm nay: 496